Người mẹ lý tưởng

Làm thế nào để là người mẹ lý tưởng thời hiện đại?

Lời khoe về mẹ đầy tự hào của đứa trẻ khiến nhiều người giật mình. Thì ra, người mẹ lý tưởng đâu chỉ là người quanh quẩn bên con.
“Mẹ mình làm trưởng phòng đấy! Còn mẹ mình làm giám đốc nhé…” lời khoe về mẹ đầy tự hào của những đứa trẻ khiến nhiều người giật mình. Thì ra, mẫu người mẹ lý tưởng trong con mắt trẻ thơ đâu chỉ là người sớm chiều cặm cụi với việc cơm nước, áo quần cho con.

Thách thức không nhỏ


Theo anh Hoàng, Khương Đình, Hà Nội, người phụ nữ không nhất thiết cứ phải quẩn quanh bên con bởi đó sẽ là một trong những nguyên nhân khiến hạn chế khả năng tự lập của con cái. Bên cạnh đó, sự thành đạt của người vợ sẽ là tấm gương cho con cái tự hào và noi theo.

Bởi cách nghĩ ấy nên dẫu là một doanh nhân thành đạt, có đủ khả năng để nuôi cả gia đình nhưng anh vẫn chấp nhận để vợ mình cống hiến cho công việc. Anh còn tạo điều kiện cho vợ thỉnh thoảng đi giao lưu, tiếp khách hay tham gia những chuyến công tác xa nhà nhiều ngày...

Tuy nhiên, khi được hỏi, chỉ một số ít đàn ông có lối nghĩ như anh Hoàng, còn đa số họ lại cho rằng, người vợ, người mẹ tốt cần có nhiều thời gian chăm sóc gia đình và dạy dỗ con cái.

Trường hợp của anh Thăng ở Long Biên, Gia Lâm, Hà Nội là một ví dụ.

Anh Thăng cho rằng, người vợ chỉ cần có một công việc nhẹ nhàng, vừa phải để còn lo việc bếp núc, kèm cặp con.

Lý giải cho điều này, anh kể lại, hôm nào vợ anh đi làm về muộn, y ngay rằng nhà cửa anh luộm thuộm, con cái bơ vơ và không khí trong nhà thì lạnh lẽo.

Với một số phụ nữ hướng nội, thích tỉ mẩn với công việc của gia đình thì quan điểm của anh Thăng không có gì đáng ngại.

Còn về phía những người phụ nữ hướng ngoại khi không được sự ủng hộ của chồng thì họ phải đối diện với rất nhiều khó khăn.

Ví như trường hợp của chị Thắm, Định Công, Hà Nội. Trong khi người chồng phản đối chị làm những việc  liên quan đến tiệc tùng tiếp khách hay về muộn thì chị lại luôn có nhu cầu được làm những công việc phù hợp với năng lực của mình.

Để gia đình êm ấm, chị Thắm đã phải từ chối vị trí quản lý của  một doanh nghiệp có tiếng. Không chỉ vậy, chị còn hy sinh thời gian cho việc học thêm ngoại ngữ, hay học cao học cũng như các văn bằng khác phục vụ cho ước mơ sự nghiệp của mình để chấp nhận một công việc văn phòng đơn giản mà chị vốn coi là tẻ nhạt.

Chị than thở, đôi khi gặp bạn bè cùng trang lứa, thấy họ thành đạt, có vị trí trong xã hội, chị lại cảm thấy chạnh lòng và có cảm giác mình như người đã “về hưu toàn diện”. Song, vì gia đình, chị cũng không thể làm theo mong muốn của mình.

Chị Thắm kể rằng, có lần cơ quan liên hoan kỷ niệm ngày thành lập nên buổi tối hi hữu đó chị về muộn hơn mọi ngày. Bước vào nhà, chị giật mình, đâu đâu cũng như một “bãi chiến trường.” Nào là xoong, chảo, bát, đĩa hai bố con ăn xong còn chỏng chơ trong bồn rửa. Cậu con trai ngồi học giữa bề bộn sách vở còn chồng chị thì mệt mỏi nằm ngả ngón bên đống quần áo chưa gấp.

Không ít những phụ nữ phải đứng trong sự giằng xé giữa gia đình và sự nghiệp như chị Thắm. Đó là chị Vân, ở Thanh Liệt, Hà Nội với những buổi đến giờ đón con nhưng việc cơ quan chưa xong, hay, chị Chi,  ở Yên Phụ, Hà Nội từng phân vân giữa việc kèm con học hay ra đường làm tin nóng khi đã khuya…

Nhiều phụ nữ khi được hỏi, họ đều có mong muốn được gia đình tạo điều kiện để bản thân có thể thể hiện được năng lực của mình ngoài xã hội.

Chuyên gia nói gì?


Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn (Công ty Tư vấn tâm lý, Đào tạo phát triển cá nhân và cộng đồng), những người phụ nữ hiện đại cố gắng để họ như cái cây có nhiều cành: sự nghiệp, tình yêu…, nếu có bị gẫy một cành nào đó thì cái cây không bị kiệt quệ mà vẫn còn khả năng để hồi sinh và tiếp tục phát triển.

Chuyên gia này cũng chỉ ra, những người phụ nữ chỉ biết mải mê với con cái sẽ bị hẫng hụt khi chúng trưởng thành và tách ra khỏi bố mẹ. Bởi vậy, người mẹ nên tạo điều kiện để con tự lập sớm và phân phối thời gian cho công việc xã hội cũng như cho những nhu cầu của bản thân.

Đứng ở phương diện xã hội học, tiến sĩ Trịnh Hòa Bình (Viện Khoa học Xã hội Việt Nam) đã trả lời cho câu hỏi, làm thế nào để là người mẹ lý tưởng trong thời hiện đại.

Ông Bình cho rằng, nói thì khó nhưng nhìn chung, người phụ nữ đứng sau thành công của chồng, biết tổ chức, chăm lo cho gia đình thì đó là người vợ, người mẹ tốt.

Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định, những người con tự hào về mẹ không chỉ vì họ biết tổ chức trong gia đình mà còn ở chỗ họ tạo dựng được vị trí, tên tuổi của mình ngoài xã hội. Bởi vậy, người mẹ lý tưởng còn là người biết vươn lên, khẳng định mình với xã hội, mang đến niềm tự hào cho con cái.

Thực tế, cùng lúc để người phụ nữ đảm nhiệm tốt cả việc gia đình lẫn việc xã hội là điều rất khó. Đa số những người phụ nữ thành công và cống hiến nhiều cho công việc thường bị hao khuyết về thiên chức của mình ở gia đình.

Nếu giải pháp thuê người giúp việc để lấp vào sự hao khuyết đó thì ông Bình đã từng cảnh báo: “Nếu không cẩn trọng, người phụ nữ để người khác thay chỗ của mình rất nhiều việc trong gia đình sẽ có ngày họ thay nốt việc dường như quy ước chỉ được diễn ra giữa hai vợ chồng.”

Bởi vậy, một người mẹ lý tưởng vừa thành công ngoài xã hội, trở thành tấm gương cho con, vừa giữ được lửa hạnh phúc trong gia đình thì họ cần kéo người bạn đời của mình vào việc tổ chức gia đình. Ví như, người vợ phải khéo léo để chồng thông cảm với mình và kéo anh ta tham gia vào việc nhà đồng thời cả hai cùng chia sẻ thiên chức cho nhau./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục