Theo báo cáo công bố ngày 25/2 của Văn phòng châu Á-Thái Bình Dương thuộc Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), tội phạm xuyên biên giới đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng ở khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh hội nhập kinh tế khu vực và sự kiểm soát lỏng lẻo các đường biên giới.
Theo ước tính của cơ quan trên, các hoạt động buôn bán bất hợp pháp khắp khu vực Đông Á và Thái Bình Dương hiện tạo ra nguồn thu hơn 100 tỷ USD, nhiều hơn cả Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cả Myanmar, Lào và Campuchia cộng lại.
Trong báo cáo, UNODC cảnh báo việc dỡ bỏ kiểm soát biên giới mà các nước trong khu vực đang hướng đến trong kế hoạch xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) bắt đầu từ tháng 12/2015 sẽ là cơ hội cho các loại hình tội phạm xuyên quốc gia hết sức tinh vi phát triển.
Trước đó, các tổ chức tội phạm đã hoạt động khá mạnh trong khu vực, với nạn buôn bán ma túy, tài nguyên thiên nhiên và buôn người cũng như hàng giả.
Ước tính khoảng 30-40% các loại sản phẩm gỗ xuất khẩu từ Đông Nam Á có nguồn gốc bất hợp pháp, trong khi tình trạng sản xuất và buôn bán ma túy vẫn hết sức nghiêm trọng.
Một vấn đề đáng quan tâm khác là việc các tổ chức tội phạm lợi dụng các kẽ hở trong hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng đường biển.
Mỗi năm tổng lượng hàng hóa trị giá 5.300 tỷ USD trong kim ngạch thương mại toàn cầu được vận chuyển qua các tuyến đường biển trong khu vực.
Báo cáo nêu rõ chỉ có chưa đến 2% trong tổng số 500 triệu container chuyển qua khu vực được kiểm tra mỗi năm.
Đại diện khu vực của UNODC, ông Jeremy Douglas nhấn mạnh các quốc gia Đông Nam Á phải hợp tác nhiều hơn nữa nhằm tăng cường kiểm soát tội phạm, đồng thời nỗ lực thúc đẩy thương mại trong khu vực với những quốc gia phát triển./.