LHQ kêu gọi quốc tế tài trợ cho việc ứng phó nhân đạo tại Afghanistan

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết hiện 97% dân số Afghanistan đang sống trong cảnh nghèo đói, trong khi khoảng 60% dân số cần hỗ trợ nhân đạo để duy trì cuộc sống trong năm nay.
LHQ kêu gọi quốc tế tài trợ cho việc ứng phó nhân đạo tại Afghanistan ảnh 1Phụ nữ Afghanistan tại thủ đô Kabul. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 2/5, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử hiện đại, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ thêm cho kế hoạch ứng phó nhân đạo của tổ chức đa phương này.

Phát biểu trên được đưa ra tại cuộc họp báo sau cuộc họp kín về vấn đề Afghanistan được tổ chức trong 2 ngày tại thủ đô Doha (Qatar) với sự tham gia của đặc phái viên từ hơn 20 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cho biết hiện 97% dân số Afghanistan đang sống trong cảnh nghèo đói, trong khi khoảng 60% dân số cần hỗ trợ nhân đạo để duy trì cuộc sống trong năm nay.

Ông Guterres cảnh báo Kế hoạch Ứng phó Nhân đạo của Liên hợp quốc mới chỉ nhận được 294 triệu USD trong số 4,6 tỷ USD cần tài trợ, tức là thiếu tới 94%.

Tổng Thư ký Guterres cũng chỉ trích các chính sách tiêu cực của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái. Theo ông, việc chính quyền cấm phụ nữ làm việc cho Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước là không thể chấp nhận được.

Tổng Thư ký Guterres nhấn mạnh điều này đe dọa đến cuộc sống của nhiều người bởi phụ nữ góp phần quan trọng vào công tác hỗ trợ nhân đạo tại quốc gia Nam Á này, đồng thời nêu rõ lệnh cấm vi phạm nghĩa vụ của Afghanistan theo luật pháp quốc tế. Theo đó, ông tuyên bố Liên hợp quốc sẽ “không im lặng trước các cuộc tấn công có hệ thống và chưa từng có vào quyền phụ nữ và bé gái."

Trả lời câu hỏi của một phóng viên, người đứng đầu Liên hợp quốc nói rằng hiện chưa ông chưa sẵn sàng gặp đại diện của Taliban mà sẽ gặp vào “một thời điểm thích hợp” trong tương lai.

Chính quyền Taliban không được mời tham dự cuộc họp này. Đại diện Taliban bày tỏ phản đối về việc bị loại ra khỏi các cuộc đàm phán tại Doha, đồng thời bác bỏ những tuyên bố chỉ trích các biện pháp hạn chế của chính quyền đối với phụ nữ Afghanistan.

Bộ Ngoại giao Afghanistan thông báo Ngoại trưởng nước này Amir Khan Muttaqi dự kiến dẫn đầu phái đoàn tới thủ đô Islamabad vào cuối tuần này để hội đàm với các quan chức Pakistan và Trung Quốc.

[Afghanistan: Thảm họa kinh tế sẽ tệ hơn vì quyền của phụ nữ bị hạn chế]

Sáng 28/4 (giờ Việt Nam), Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu chính quyền Taliban tại Afghanistan “nhanh chóng đảo ngược” tất cả các biện pháp hạn chế đối với phụ nữ, đặc biệt là lệnh cấm phụ nữ nước này làm việc cho Liên hợp quốc.

Nghị quyết nói trên nhận được sự đồng thuận của cả 15 nước ủy viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhấn mạnh rằng lệnh cấm được thông báo hồi đầu tháng 4 “gây phương hại tới nhân quyền và các nguyên tắc nhân đạo.”

Hội đồng Bảo an yêu cầu Taliban “nhanh chóng đảo ngược những chính sách và hành động hạn chế nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái."

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng hối thúc “tất cả các quốc gia và tổ chức sử dụng ảnh hưởng để thúc đẩy và nhanh chóng đảo ngược những chính sách này” và nhấn mạnh “tình hình kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng" cũng như "tầm quan trọng của việc phái bộ Liên hợp quốc tiếp tục hiện hiện" tại Afghanistan.

Liên hợp quốc hiện có khoảng 3.900 nhân viên làm việc tại nước này, trong đó khoảng 400 phụ nữ là người Afghanistan và 200 nhân viên nữ từ các quốc gia khác.

Kể từ khi lên nắm quyền điều hành đất nước hồi 8/2021, Taliban đã đưa ra nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái.

Tháng 12 năm ngoái, Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ làm việc trong các các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước. Phụ nữ Afghanistan cũng bị cấm đi học đại học, trong khi phần lớn nữ sinh trung học không được đến trường. Nữ giới tại Afghanistan không được phép lui tới công viên hay vườn hoa và không được đi du lịch nếu không có người thân là nam giới đi cùng.

Cộng đồng quốc tế lên án những hạn chế của Taliban đối với giáo dục-đào tạo và việc làm của nữ giới ở Afghanistan. Liên hợp quốc gọi đây là "chế độ phân biệt Apartheid dựa trên giới tính."

Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điểm mấu chốt trong các cuộc đàm phán về viện trợ và sự công nhận của chính quyền Taliban. Nhiều nhà ngoại giao nước ngoài nhấn mạnh Taliban cần thay đổi chính sách với nữ giới để có cơ hội được công nhận chính thức và giảm bớt sự cô lập kinh tế.

Afghanistan đang chìm trong khủng hoảng nhân đạo khi có tới 28,3 triệu người (tương đương 2/3 dân số) cần được hỗ trợ để tồn tại. Theo Liên hợp quốc, gần 1/4 số hộ gia đình ở Afghanistan có chủ hộ là nữ giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục