Liên hợp quốc báo động về tình trạng khan hiếm nước sạch trên thế giới

Theo Liên hợp quốc, 40% dân số thế giới đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước, 80% nước thải đang được đổ thẳng ra môi trường mà không qua xử lý, và hơn 90% dịch bệnh có liên quan đến nước.
Liên hợp quốc báo động về tình trạng khan hiếm nước sạch trên thế giới ảnh 1Người dân hứng nước từ mạch nước ngầm ở St. James, Cape Town, Nam Phi. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 22/3 cảnh báo nhu cầu ngày càng tăng đối với nước sạch và tác động nghiêm trọng hơn của biến đổi khí hậu đang khiến khan hiếm nước trở thành mối quan ngại sâu sắc.

Phát biểu tại buổi lễ phát động Thập kỷ Quốc tế Hành động vì Nước tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Guterres cho hay tới giữa thế kỷ này, nhu cầu đối với nước sạch dự kiến tăng hơn 40% trong khi tình trạng biến đổi khí hậu, đang diễn ra ở tốc độ nhanh, càng làm tăng sức ép về nước.

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, 40% dân số thế giới đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng khan hiếm nước, 80% nước thải đang được đổ thẳng ra môi trường mà không qua xử lý, và hơn 90% dịch bệnh có liên quan đến nước. Hơn 2 tỷ người thiếu khả năng tiếp cận nước sạch, và hơn 4,5 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Nhiều trong số những dịch bệnh nghiêm trọng nhất ở thế giới đang phát triển có liên quan trực tiếp đến nước uống không an toàn, vệ sinh kém, và các tập quán vệ sinh không đạt chuẩn.

[Ngày không nước: Cuộc khủng hoảng không còn xa vời]

Người đứng đầu Liên hợp quốc tuyên bố tổ chức này sẵn sàng trợ giúp các quốc gia thúc đẩy đối thoại chính sách, trao đổi những tập quán tốt nhất, nâng cao nhận thức và hình thành các mối quan hệ đối tác.

Ông cho rằng cuộc khủng hoảng nước ngày càng nghiêm trọng đáng ra phải nhận được sự quan tâm nhiều hơn của thế giới. Do đó, ông kêu gọi các quốc gia chung tay gây dựng một thế giới bền vững hơn và bắt đầu một thập niên hành động để đảm bảo nước cho sự phát triển bền vững.

Kế hoạch hành động nêu trên đặt mục tiêu thay đổi cách tiếp cận các nguồn cung nước, hệ thống vệ sinh, quản lý nước, và giảm rủi ro dịch bệnh nhằm xử lý tốt hơn tình trạng khan hiếm nước, đấu tranh với sự biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng ứng phó; kết hợp các chương trình, dự án nước và vệ sinh hiện có với chương trình nghị sự phát triển bền vững 2030.

Lễ phát động Thập kỷ Quốc tế Hành động vì Nước diễn ra đúng vào Ngày Nước Thế giới tổ chức vào ngày 22/3 hằng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục