Lý do đằng sau việc Trung Quốc phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số

Chừng nào PBoC đẩy mạnh đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của mình, Alipay sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc được tích hợp vào một hệ thống thanh toán di động do nhà nước kiểm soát.
Lý do đằng sau việc Trung Quốc phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số ảnh 1(Nguồn: boxmining.com)

Theo tạp chí The Diplomat, ngày 23/8, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) thông báo tiến hành một cuộc điều tra chống tham nhũng nhắm vào Zhou Jiangyong, Bí thư thành ủy Hàng Châu.

Hàng Châu là thành phố nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn công nghệ nổi tiếng Alibaba và công ty con Ant Group. Những rắc rối đối với Bí thư Zhou Jiangyong được cho là gắn liền với vụ bê bối về việc các thành viên trong gia đình ông nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của Ant Group.

Tin tức này chắc chắn giáng một đòn nữa vào vị trí vốn đã bấp bênh của Alibaba. Đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD của Ant Group, được dự đoán là đợt IPO lớn nhất thế giới nếu thành công, đã bị các cơ quan quản lý của Trung Quốc đột ngột đình chỉ vào tháng 11 năm ngoái. Kể từ khi đó, Alibaba và người sáng lập Jack Ma đã liên tục phải gánh chịu áp lực chính trị rất lớn.

Một số nhà quan sát cho rằng tình trạng khó khăn hiện tại của Alibaba là do ông Jack Ma liên tục công kích các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc trước khi tiến hành đợt IPO. Những người khác cho rằng vụ việc của Alibaba và ông Jack Ma là một ví dụ điển hình về việc trấn áp khu vực kinh tế tư nhân của Trung Quốc.

Tuy nhiên, rất ít người có thể giải thích chính xác Alibaba và hệ thống thanh toán di động Alipay có thể tạo ra các rủi ro tài chính như thế nào và những vấn đề cụ thể mà tập đoàn này gây ra cho các nhà quản lý. Nhiều người cũng không liên kết được vụ việc của Alibaba với một vấn đề nóng khác đó là việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) phát hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số.

Trong bối cảnh đó, bài viết cho rằng căng thẳng giữa Alibaba và cơ quan quản lý tiền tệ của Trung Quốc nằm ở bản chất của một hệ thống thanh toán di động do tư nhân vận hành.

Sự lớn mạnh nhanh chóng…

Vào đầu những năm 2010, Alipay, ban đầu là một phần mềm xử lý thanh toán mà Alibaba tạo ra để tạo thuận lợi cho các giao dịch mua sắm trực tuyến, đã phát triển thành nền tảng thanh toán di động lớn nhất trên thế giới nhờ vào việc sử dụng rộng rãi điện thoại thông minh ở Trung Quốc.

Alipay cải thiện đáng kể hiệu quả và sự tiện lợi của các giao dịch bằng tiền. Những người nạp tiền vào tài khoản Alipay của họ chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR của nhau và các giao dịch sẽ được xử lý ngay lập tức, giúp họ không gặp rắc rối khi sử dụng tiền mặt hoặc thẻ. Nếu muốn, họ cũng có thể rút tiền về bất kỳ tài khoản ngân hàng nào mà họ chọn để liên kết với Alipay.

[Trung Quốc đẩy mạnh thử nghiệm lưu hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số]

Dần dần, mọi người từ mọi tầng lớp xã hội ở Trung Quốc bắt đầu sử dụng Alipay cho các giao dịch tiền tệ hàng ngày của họ. Trong nhà hàng, trung tâm mua sắm hoặc siêu thị, người ta có thể nhìn thấy mã QR của Alipay ở khắp mọi nơi. Không có gì ngạc nhiên khi một số người thốt lên rằng ở Trung Quốc, ngay cả những người ăn xin cũng chấp nhận Alipay.

Tuy nhiên, đằng sau việc sử dụng phổ biến Alipay là một sự dàn xếp tài chính hết sức tinh vi. Tại Trung Quốc, đồng tiền chính thức là nhân dân tệ (NDT), nguồn cung được kiểm soát độc quyền bởi PBoC. Mọi thứ trở nên khác một chút nếu một người nạp đồng NDT vào tài khoản Alipay của họ và sử dụng nó để giao dịch.

Khi người này quét mã QR và chuyển một số tiền đã nạp sang tài khoản Alipay khác, họ có lý do để tin rằng mình đang sử dụng đồng NDT, nhưng thực tế không phải vậy.

Thay vào đó, người dùng Alipay đang chuyển một loại tiền tệ do Alibaba phát hành, có tỷ giá hối đoái với đồng NDT là 1:1. Cái xác thực loại tiền vô hình và duy trì tỷ giá hối đoái 1:1 chính là dự trữ đồng NDT của Alibaba.

Nếu điều này nghe có vẻ khó hiểu, hãy tưởng tượng viễn cảnh cực đoan nhất nếu Alibaba phá sản. Những con số trong tài khoản Alipay sẽ chẳng có giá trị gì. Người dùng sẽ không thể chuyển những con số đó thành đồng NDT trừ khi chính phủ can thiệp.

… là một đặc quyền nguy hiểm trong hệ thống tài chính

Đối với những người quen thuộc với các lý thuyết tiền tệ, điều này không có gì ngạc nhiên. Họ sẽ nói rằng các con số trong tài khoản Alipay tạo thành cái mà các nhà kinh tế gọi là "khoản tiền gửi có thể kiểm soát," là một phần của nguồn cung tiền tệ mà bất kỳ ngân hàng thương mại bình thường nào cũng có thể ảnh hưởng.

Do đó, họ không phân biệt được việc sử dụng Alipay với việc quẹt thẻ ghi nợ do ngân hàng phát hành, ngoại trừ việc Alipay yêu cầu mã QR trong khi thẻ ghi nợ đòi hỏi máy POS. Lập luận này có thể đúng trên lý thuyết, nhưng có ba vấn đề khiến cho tình hình của Alipay phức tạp hơn trong thực tế.

Vấn đề đầu tiên và rõ ràng nhất là Alibaba không phải một ngân hàng thương mại và do đó không phải tuân theo hệ thống quy định thông thường áp dụng cho lĩnh vực ngân hàng.

Trong khi một ngân hàng thương mại phải đối mặt với sự giám sát của ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính khác - ví dụ, thường xuyên phải báo cáo khoản dự trữ của mình - thì Alibaba với tư cách là một công ty công nghệ không bị giám sát như vậy.

Do đó, bằng cách quản lý một hệ thống thanh toán di động không có nhiều ràng buộc, Alibaba đã có được một đặc quyền nguy hiểm trong hệ thống tài chính. Việc ngân hàng trung ương lo ngại về điều đó là một điều dễ hiểu.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Alibaba bắt đầu thao túng tiền tệ thông qua hệ thống Alipay, chẳng hạn, bằng cách nâng cấp tài khoản Alipay của một số người để thu hút sự chú ý của họ? Các con số có thể được tạo ra một cách bất ngờ mà không có sự hỗ trợ của đồng NDT thực, nhưng lại có sức mua thực sự. Các cơ quan quản lý của Trung Quốc sẽ không thể phát hiện hoặc ngăn chặn những bất thường như vậy kịp thời.

Vấn đề thứ hai, mức độ phổ biến cực độ của Alipay là không có gì đáng ngạc nhiên. PBoC hẳn không dễ chịu với việc sử dụng ồ ạt hệ thống thanh toán di động tư nhân. Rốt cuộc, làm thế nào cơ quan quản lý tiền tệ có thể sử dụng chính sách để duy trì sự ổn định kinh tế và tài chính một cách hiệu quả nếu phần lớn các giao dịch cơ bản ở Trung Quốc diễn ra thông qua một đơn vị tiền tệ không phải là đồng NDT?

Hoàn toàn có thể thấy trước rằng, nếu không được kiểm soát, hoạt động kinh doanh của Alipay sẽ tiếp tục phát triển và một ngày nào đó ngân hàng trung ương có thể cần sự hỗ trợ hoặc thậm chí sự phê duyệt của Alibaba để đạt được các mục tiêu chính sách tiền tệ của mình. PBoC không thể chấp nhận một khả năng như vậy.

Vấn đề thứ ba và cũng là duy nhất xét trong bối cảnh của Trung Quốc, đó là Alibaba không thuộc sở hữu nhà nước. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát các công ty công nghệ như Alibaba lỏng lẻo hơn nhiều so với các thể chế tài chính như 5 ông lớn ngân hàng.

Điều khiến mọi thứ tồi tệ hơn là Alibaba đã niêm yết cổ phiếu tại Mỹ, vì vậy, bất kỳ nhà đầu tư toàn cầu nào cũng có thể trở thành cổ đông của Alibaba và do đó, ít nhất về mặt lý thuyết, có tiếng nói trong hoạt động của công ty.

Thông qua cơ chế này, các thế lực nước ngoài có thể tác động vào hệ thống Alipay. Không nghi ngờ gì khi các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc ngày càng cảnh giác hơn về những rủi ro khi mối quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục xấu đi.

PBoC nhận thức được những vấn đề đó song ngân hàng này không có lựa chọn rút lại một phương thức thanh toán di động vốn đã trở nên thịnh hành. Sử dụng thanh toán di động đã trở thành tiêu chuẩn kinh doanh ở Trung Quốc và việc đảo ngược tiêu chuẩn này có thể sẽ gây ra những tổn thất đáng kể cho nền kinh tế và gây ra sự hoảng loạn không cần thiết.

Vậy làm thế nào để PBoC đối mặt với những rủi ro tài chính của nền tảng thanh toán di động trong khi vẫn giữ nguyên các lợi ích? Có một giải pháp, đó là phát hành và quảng bá hệ thống thanh toán di động của riêng PBoC.

Do đó, không phải ngẫu nhiên mà Trung Quốc, với tư cách là thị trường thanh toán di động lớn nhất, cũng trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới triển khai đồng tiền kỹ thuật số có chủ quyền. Về mặt công khai, ngân hàng trung ương luôn mô tả việc phát hành đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là một động thái phủ đầu nhằm chống lại sự phổ biến ngày càng tăng của các loại tiền kỹ thuật số nước ngoài như Bitcoin.

Tuy nhiên, theo những người quen thuộc với vấn đề này từ các ngân hàng quốc doanh được phép thúc đẩy đồng nhân dân tệ kỹ thuật số, mục tiêu rõ ràng của PBoC là làm suy yếu vị thế của thanh toán di động tư nhân trên thị trường.

Tuy nhiên, trước sự ngạc nhiên của nhiều người, PBOC cuối cùng đã chọn kết hợp với Alipay phát triển một trong những nền tảng phát hành. Bằng cách biến cạnh tranh thành tích hợp, PBoC rõ ràng đang cố gắng hợp nhất các nền tảng thanh toán di động tư nhân vào hệ thống của riêng mình và giành lại quyền kiểm soát nguồn cung tiền một cách hiệu quả.

Trong khi PBoC đang thử nghiệm một giải pháp thân thiện với thị trường, chính lời nói và việc làm của Alibaba cùng lãnh đạo của tập đoàn này đã biến mọi thứ trở nên tồi tệ. Có thông tin cho rằng Alibaba đã từ chối chia sẻ thông tin khách hàng với chính phủ, một thái độ bất hợp tác chắc chắn sẽ bị cơ quan quản lý tiền tệ cho là kiêu ngạo và đe dọa.

Ngoài ra, như đã đề cập, ông Jack Ma đã công khai cáo buộc Chính phủ Trung Quốc quản lý quá mức đối với lĩnh vực tài chính, buộc PBoC phải áp đặt một số quy định thực tế. Tất cả những diễn biến này đã làm trầm trọng thêm mâu thuẫn vốn có giữa Alibaba và PBoC, cuối cùng đã bùng lên khi Alibaba muốn củng cố hơn nữa sự kiểm soát của mình trong lĩnh vực tài chính bằng cách thông qua IPO của Ant Group.

Giờ đây, làn gió chính trị đang chống lại Alibaba và sẽ tiếp tục như vậy. Cho dù Alibaba có nhượng bộ bao nhiêu thì sự căng thẳng vốn có giữa hệ thống thanh toán di động tư nhân và cơ quan quản lý tiền tệ công không dễ dàng biến mất.

Chừng nào PBoC đẩy mạnh đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của mình, Alipay cũng như các nền tảng thanh toán di động tư nhân khác sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc được tích hợp vào một hệ thống thanh toán di động do nhà nước kiểm soát./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục