Lý giải vì sao nhiều gia đình vẫn ngần ngại tiêm vaccine cho trẻ em

Hiện nay, việc tiêm vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được rất nhiều phụ huynh quan tâm, thậm chí nhiều gia đình ngần ngại.
Lý giải vì sao nhiều gia đình vẫn ngần ngại tiêm vaccine cho trẻ em ảnh 1Bộ Y tế liên tục có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa công tác tiêm chủng. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Thời gian gần đây, Bộ Y tế liên tục có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để người dân hiểu, đồng thuận và đi tiêm chủng các mũi tiếp theo (mũi 3, mũi 4) kịp thời, đầy đủ.

Theo Bộ Y tế, nếu địa phương nào không tiếp nhận đủ vaccine sử dụng để tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đáng lưu ý, nhiều thông tin gần đây cho thấy nhiều phụ huynh vẫn còn ngần ngại cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tiêm vaccine.

Bên hành lang quốc hội, Giáo sư Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu quốc hội thành phố Hà Nội đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, nhất là với đối tượng trẻ em.

- Hiện nay, việc tiêm vacccine với trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được đánh giá diễn ra với tốc độ “chậm chạp.” Ý kiến của giáo sư về vấn đề này như thế nào?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Đúng là hiện nay có thực trạng việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đặc biệt là tiêm chủng cho trẻ từ 17 tuổi trở xuống đến 5 tuổi bị chững lại khá nhiều.

Theo tôi, có nhiều lý do khác nhau.

Lý do thứ nhất là nhiều người nhận thấy về cơ bản dịch COVID-19 đang kiểm soát tốt.

Lý do thứ hai là nhóm đối tượng tiêm đợt này hầu hết là trẻ em - là thế hệ mà những người làm bố, làm mẹ, làm ông bà rất quan tâm, rất lo lắng. Nguyên nhân là do nhiều người cho rằng tác dụng phụ của vaccine trong dài hạn vẫn chưa được xác định.

Trên thực tế tiêm vaccine rất hữu ích trong phòng, chống dịch nhưng có những hậu quả lâu dài hay không thì chưa ai biết. Vì vậy, tôi cho rằng sự ngần ngại, cân nhắc của những bậc làm cha lẫn mẹ, ông bà là chính đáng.

Điều đó dẫn tới thực trạng tình hình tiêm chủng vaccine cho trẻ em đang bị nghẽn, chậm lại.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã có đề nghị lên Chính phủ và yêu cầu đối với các tỉnh, thành trong việc chấp hành việc tiêm chủng vaccine cho trẻ em. Theo tôi, đó là một sự nỗ lực, cố gắng nhưng mang tính hành chính nhiều hơn.

Đứng về góc độ của nhà khoa học y khoa thì tôi cho rằng Bộ Y tế phải có cách làm thuyết phục hơn, dựa trên cơ sở của khoa học chứ không phải dựa trên cơ sở của mệnh lệnh hành chính.

Video giáo sư Nguyễn Anh Trí nói về việc tiêm vaccine:

- Vậy theo ông cách làm làm thuyết phục hơn, đúng hơn dựa trên cơ sở của khoa học cụ thể là gì?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Đó là đề nghị phải triển khai làm các xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 trên diện rộng cho trẻ em. Bởi xét nghiệm này có chi phí không cao, chỉ cần lấy mẫu máu và xét nghiệm. Nếu trường hợp nào mà nồng độ kháng thể đã cao thì tạm hoãn hoặc thậm chí không cần tiêm chủng nữa, chỉ những trường hợp nào chưa có kháng thể mới nên tiêm. Cách làm đó nhẹ nhàng hơn rất nhiều và cơ sở khoa học của nó đã được chứng minh.

Như chúng ta đã biết, qua hơn 2 năm tình hình dịch bệnh, nhiều trẻ em cũng có thể đã mắc bệnh COVID-19 và đặc biệt là trong kỳ đợt bùng phát dịch lần thứ tư thì số lượng người bị nhiễm bệnh, tỷ lệ người nhiễm bệnh trong khu vực dân cư hầu hết các tỉnh, thành đều rất cao. Vì vậy, có thể có miễn dịch cộng đồng tự nhiên.

Nếu chúng ta làm được xét nghiệm kháng thể, trường hợp trẻ đã có kháng thể virus SARS-CoV-2 với nồng độ cao thì không cần phải tiêm vaccine ngay. Việc này, theo ý kiến cá nhân của tôi có thể cứ 6 tháng các cháu chỉ cần làm xét nghiệm/lần và yên tâm đi học.

Tôi xin nhắc lại chỉ những không trẻ không có kháng thể hoặc nồng độ kháng thể quá thấp thì có thể tiêm, cách đó vừa an toàn, vừa tiết kiệm và hiệu quả, thực sự dựa trên cơ sở khoa học và đây là kiến nghị chính thức của tôi.

- Giáo sư có thể cho biết cụ thể hơn dựa trên kinh nghiệm từ các nước trên thế giới?

Giáo sư Nguyễn Anh Trí: Tôi được biết nhiều nước trên thế giới đã làm như vậy.

Qua quá trình làm việc trực tiếp đối với các nhà khoa học nước ngoài cũng như những người đồng nghiệp, bạn bè tôi đang sinh sống ở nước ngoài, hầu hết họ cũng đều chia sẻ về cách làm này và tôi xin khẳng định lại là với tư cách là một nhà khoa học đây là tư duy khoa học, hiệu quả và an toàn nhất có thể trong bối cảnh hiện nay.

Tôi rất mong Bộ Y tế có khuyến cáo để điều chỉnh lại việc tiêm chủng cho trẻ. Có như vậy, việc tiêm chủng mới được người dân tiếp nhận một cách thoải mái hơn, hiệu quả hơn, đúng đối tượng hơn.

Xin trân trọng cảm ơn giáo sư!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục