Hãng tin Bernama dẫn lời Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia Darell Leiking cho biết chính phủ nước này vẫn chưa ấn định thời điểm cuối cùng cho việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Phát biểu ngày 28/11, Bộ trưởng Darell khẳng định CPTPP sẽ chỉ được phía Malaysia phê chuẩn sau khi chính phủ nước này chắc chắn rằng hiệp định này sẽ mang lại lợi ích cho đất nước.
Hiện, Chính phủ Malaysia còn nhiều điều phải cân nhắc liên quan đến hiệp định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Darell cũng bày tỏ tin tưởng rằng CPTPP sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay sau khi nhận được sự phê chuẩn của bảy nước thành viên - bao gồm Nhật Bản, Singapore, Mexico, Canada, Australia, New Zealand và Việt Nam.
Hiện tại, ngoài Malaysia thì Brunei, Chile và Peru cũng vẫn chưa phê chuẩn CPTPP.
Trước đó, Chính phủ New Zealand - nước chịu trách nhiệm tiếp nhận thông báo của từng thành viên tham gia CPTPP - cho biết đã nhận được thông báo của Australia về việc chính thức thông qua hiệp định, cùng với New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore.
[CPTPP tạo nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam]
Như vậy, CPTPP đã được sáu nước tham gia phê chuẩn, đủ để hiệp định có hiệu lực sau 60 ngày theo quy định.
Bộ trưởng Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand David Parker nêu rõ việc Australia phê chuẩn CPTPP đã khởi động giai đoạn 60 ngày để hiệp định này đi vào hiệu lực và các nước thành viên thực hiện đợt cắt giảm thuế quan đầu tiên.
Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của CPTPP đã gia tăng trong những tháng gần đây trước “sự leo thang của các biện pháp bảo hộ thương mại trên thế giới."
Theo báo cáo gần đây của Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP), bảo hộ thương mại gia tăng sẽ khiến nhịp độ tăng trưởng kinh tế, nhất là ở các nước đang phát triển, chậm lại.
Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính nếu các rào cản thương mại hoàn toàn được dỡ bỏ thì các nước đang phát triển có thể tăng thu ngân sách và đưa hàng triệu người thoát khỏi cành nghèo.
CPTPP - tiền thân là Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) - là hiệp định thương mại tự do giữa 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.
CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên.
Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới./.