Mỹ công bố báo cáo 'gây sốc' về giá thuốc của nhiều hãng dược phẩm lớn

Báo cáo do Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ công bố cho thấy một số công ty dược phẩm đã thực hiện những điều chỉnh không đáng kể trong các công thức bào chế, để có được bằng sáng chế mới.
Mỹ công bố báo cáo 'gây sốc' về giá thuốc của nhiều hãng dược phẩm lớn ảnh 1Một nhà máy của hãng dược Eli Lilly and Co. (Nguồn: Reuters)

Các nhà sản xuất dược phẩm đã nhắm mục tiêu vào thị trường Mỹ để có được những khoản lợi nhuận không hề nhỏ từ các loại thuốc xưa cũ.

Kết luận này được đưa ra trong một báo cáo do Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ công bố ngày 10/12.

Được đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài gần 3 năm, báo cáo tập trung làm rõ khẳng định của ngành công nghiệp dược phẩm rằng giá thuốc cao là cần thiết để tạo nguồn kinh phí cho những nghiên cứu đổi mới và các chương trình phát triển trong ngành này.

Báo cáo nêu rõ: "Cuộc điều tra của ủy ban cũng cho thấy rằng các công ty đã dành một phần kinh phí đáng kể cho hoạt động nghiên cứu và phát triển của họ nhằm mở rộng thị trường độc quyền, hỗ trợ chiến lược tiếp thị của công ty và ngăn chặn cạnh tranh."

[COVID-19 tái định hình cuộc cạnh tranh dược phẩm toàn cầu]

Báo cáo của ủy ban trên nhấn mạnh tới hoạt động của các hãng dược Eli Lilly and Co (Mỹ), Novo Nordisk (Đan Mạch) và Sanofi (Pháp) - những thương hiệu hiện đang chiếm thị phần lớn trên thế giới đối với thuốc viên insulin dành cho các bệnh nhân đái tháo đường.

Theo báo cáo, các hãng trên kiểm soát khoảng 90% thị trường thuốc insulin toàn cầu - loại vốn được ra đời từ thập niên 20 của thế kỷ trước.

Báo cáo cũng lưu ý về giá cả và các chiến thuật tiếp thị của Pfizer Inc (Mỹ), vốn đã giúp hãng dược phẩm này kiếm được hàng tỷ USD từ thuốc giảm đau Lyrica - loại thuốc hiện đã không còn được đăng ký sản xuất.

Báo cáo cũng cho thấy một số công ty dược phẩm đã thực hiện những điều chỉnh không đáng kể trong các công thức bào chế để qua đó có được bằng sáng chế mới và rồi hướng bệnh nhân sang phiên bản mới hơn, đắt tiền hơn.

Xét riêng đối với các loại thuốc insulin bán chạy nhất thế giới, Eli Lilly đã nâng giá bán thuốc Humalog của hãng này lên 1.219% mỗi lọ kể từ khi ra mắt sản phẩm này.

Trong khi đó, Novo Nordisk đã tăng giá NovoLog 627% so với thời điểm ra mắt và Sanofi cũng "thổi giá" Lantus tới 715%.

Báo cáo cũng cho thấy Pfizer nhắm mục tiêu vào thị trường Mỹ để có giá cao hơn cho sản phẩm Lyrica. Giá của Lyrica đã tăng 420% kể từ khi loại thuốc này được phê duyệt trong năm 2004. Trong năm 2019, doanh thu từ thuốc này là khoảng 2 tỷ USD.

Ngoài các hãng, một số công ty dược khác cũng được xướng tên gồm: Teva, Amgen, Novartis, Mallinckrodt, AbbVie, Celgene...

Các loại thuốc được đề cập trong báo cáo của Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ là những loại dược phẩm đã được bào chế cách đây nhiều thập kỷ.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện Mỹ Carolyn Maloney cho biết: "Các công ty dược phẩm đã liên tục tăng giá trong nhiều thập kỷ, trong khi thao túng hệ thống bằng sáng chế và các điều luật khác để trì hoãn sự cạnh tranh từ các loại thuốc có giá thấp hơn. Các công ty này đã nhắm mục tiêu cụ thể đến thị trường Mỹ để có giá cao hơn, dù vẫn giảm giá ở các quốc gia khác, xuất phát từ những điểm yếu trong hệ thống y tế của chúng ta đã cho phép họ 'thổi giá' sản phẩm."

Kế hoạch "Xây dựng lại tốt hơn" của chính quyền Tổng thống Joe Biden đã được Hạ viện Mỹ thông qua và sẽ được trình lên Thượng viện trong năm nay, bao gồm một điều khoản cho phép Medicare thương lượng với các nhà sản xuất thuốc, đối với một số lượng nhỏ các loại thuốc nhất định.

Theo giới chuyên gia, Medicare - chương trình bảo hiểm y tế của Chính phủ Mỹ dành cho những người từ 65 tuổi trở lên và người tàn tật, lẽ ra có thể tiết kiệm được hơn 16,7 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến năm 2017 chi phí mua insulin, nếu chương trình này được phép thương lượng chiết khấu với các công ty thuốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục