Mỹ và EU đang bên bờ vực một cuộc chiến thuế quan mới?

Tranh chấp giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể gây thiệt hại nặng nề hơn cho mối quan hệ thương mại trị giá 1.300 tỷ USD giữa hai bên, từ đó gây phương hại cho tất cả những bên liên quan.
Mỹ và EU đang bên bờ vực một cuộc chiến thuế quan mới? ảnh 1Máy bay Airbus A380 bay trình diễn tại Triển lãm hàng không Farnborough ở Hampshire, Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/10, ngay sau khi được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) “bật đèn xanh,” Mỹ đã thông báo sẽ áp thuế 10% đối với các máy bay Airbus do Liên minh châu Âu (EU) sản xuất và 25% đối với nhiều mặt hàng khác của châu lục này như một biện pháp trừng phạt những khoản trợ cấp bất hợp pháp của EU dành cho Airbus.

Song giới quan sát đã cảnh báo động thái này đe dọa sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến thuế quan mới và làm triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám hơn.

Căng thẳng thương mại leo thang giữa hai bờ Đại Tây Dương

Theo thông tin từ Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) các mức thuế sẽ nhắm mạnh vào bốn quốc gia trụ cột hỗ trợ cho tập đoàn Airbus, bao gồm Pháp, Anh, Đức và Tây Ban Nha.

Như vậy, các mặt hàng gồm ôliu Tây Ban Nha, áo len và đồ len của Vương quốc Anh, các sản phẩm công cụ và càphê của Đức, cũng như rượu whisky của Anh và rượu vang Pháp đều sẽ bị áp thuế. Phômai của gần như mọi quốc gia EU cũng phải chịu mức thuế 25%, trừ rượu vang và dầu ôliu của Italy cùng với chocolate châu Âu.

[Mỹ sẽ áp thuế trừng phạt với Liên minh châu Âu từ ngày 18/10]

Các biện pháp áp thuế trên sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 18/10 tới. Nhưng Washington sẽ không áp thuế lên các bộ phận máy bay do EU sản xuất được sử dụng trong hoạt động lắp ráp trong nhà máy của Airbus đặt tại bang Alabama, hoặc những bộ phận được sử dụng bởi Boeing, nhằm bảo vệ công việc của lĩnh vực chế tạo tại Mỹ.

Có thể thấy quy mô và phạm vi của việc áp thuế quan đã giảm đáng kể so với danh sách 25 tỷ USD hàng hóa mà Washington từng tung ra vào đầu năm nay.

Một nguồn tin quen thuộc với USTR cho biết Washington đã “cố tình” không sử dụng toàn bộ quy mô trả đũa được WTO chấp thuận để thúc đẩy EU ngồi vào bàn đàm phán.

Nhưng nó cũng đi kèm với một cảnh báo rõ ràng rằng Mỹ có thẩm quyền tăng thuế bất cứ lúc nào hoặc thay đổi các sản phẩm bị ảnh hưởng.

USTR cũng cho biết họ sẽ liên tục đánh giá lại các mức thuế này dựa trên những cuộc thảo luận với EU.

Cũng trong ngày 2/10, bà Cecilia Malmström, Ủy viên phụ trách Thương mại của EU, đã đưa ra một tuyên bố rằng EU từng đề xuất giải quyết tranh chấp này vào tháng Bảy. Dù WTO đã đưa ra phán quyết có phần bất lợi, EU vẫn sẵn sàng cùng hợp tác với Mỹ để tìm một giải quyết công bằng. Nhưng nếu Mỹ quyết định áp dụng các biện pháp thuế nêu trên, Washington sẽ đẩy Brussels vào tình huống không có lựa chọn nào khác ngoài việc đưa ra những biện pháp tương tự.

Vụ kiện kéo dài 15 năm

Phán quyết ngày 2/10 của WTO là diễn biến mới nhất trong vụ kiện kéo dài 15 năm giữa nhà sản xuất máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ xung quanh vấn đề trợ cấp chính phủ.

Động thái này diễn ra sau phán quyết của WTO hồi đầu năm nay rằng EU đã không rút lại hàng tỷ USD tiền trợ cấp bất hợp pháp cho Airbus dành cho hoạt động phát triển và ra mắt hai dòng máy bay A380 và A350.

“Trận chiến” giữa Boeing và Airbus bắt đầu từ năm 2004, một năm sau khi nhà xuất máy bay châu Âu lần đầu tiên vượt qua đối thủ Mỹ. Khi đó, phía Mỹ đã cáo buộc rằng châu Âu đã trợ cấp cho Airbus từ tận những năm 1970 với tổng giá trị lên tới 22 tỷ USD.

Một vài tháng sau đó, EU cũng đưa ra khiếu nại của phía mình với cáo buộc rằng Boeing cũng đã được nhận 23 tỷ USD viện trợ bất hợp pháp từ Washington.

Hồi năm 2010 và 2011, WTO đã từng ra phán quyết rằng cả hai công ty đều nhận được hàng tỷ USD hỗ trợ bất hợp pháp từ chính phủ.

Boeing hưởng lợi từ việc được giảm thuế cùng các hợp đồng quốc phòng và vũ trụ từ chính phủ, trong khi Airbus nhận trợ cấp để triển khai các chương trình phát triển và sản xuất máy bay.

Tuy nhiên, quyết định ngày 2/10 của WTO sẽ chưa phải là sự kết thúc của câu chuyện này.

Trong một vài tháng tới, WTO dự kiến sẽ đưa ra phán quyết mà EU có thể dựa vào để áp mức thuế trừng phạt đối với hàng nhập khẩu của Mỹ. Quy mô của đợt áp thuế có thể lên tới vài tỷ USD để trả đũa các khoản trợ cấp của Washington khiến Airbus thiệt hại doanh số.

Không có người chiến thắng

Mặc dù Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh quyết định trên và gọi đây là "chiến thắng lớn, nhưng giới quan sát cho rằng đây không phải là lúc để ăn mừng.

Việc áp thuế cao như vậy sẽ khiến người tiêu dùng Mỹ phải chi trả nhiều hơn cũng như trở thành một là lực cản đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tuy Washington miễn áp thuế lên các bộ phận máy bay do EU sản xuất được sử dụng trong hoạt động lắp ráp tại nhà máy của Airbus đặt tại bang Alabama, hoặc những bộ phận được sử dụng bởi Boeing, vẫn còn nhiều hãng hàng không khác phụ thuộc vào những bộ phận này.

Mỹ và EU đang bên bờ vực một cuộc chiến thuế quan mới? ảnh 2Phômai của gần như mọi quốc gia EU cũng phải chịu mức thuế 25%, trừ rượu vang và dầu ôliu của Italy cùng với chocolate châu Âu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

EU cũng sẽ không “ngồi yên chịu trận.” Họ đã lên tiếng đe dọa sẽ áp thuế đối với 4 tỷ USD hàng hóa Mỹ nếu Tổng thống Trump quyết định áp thuế như dự kiến.

Thậm chí, nếu EU thắng thế trong vụ kiện chống lại Boeing, họ còn có thể được phép đưa ra những biện pháp đáp trả còn tốn kém hơn nữa.

Tranh chấp giữa hai bờ Đại Tây Dương có thể gây thiệt hại nặng nề hơn cho mối quan hệ thương mại trị giá 1.300 tỷ USD giữa hai bên, từ đó gây phương hại cho tất cả những bên liên quan.

Các cuộc thảo luận về một thỏa thuận thương mại tự do mới giữa Mỹ và EU - vốn đã trong tình trạng đình trệ - có thể bị hủy hoại nghiêm trọng hơn.

Các hoạt động hợp tác khác giữa hai bên - như gây áp lực buộc Trung Quốc cải cách các quy định hoặc cải tổ hệ thống thương mại toàn cầu - chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Và căng thẳng giữa các đồng minh sẽ leo thang một cách không cần thiết.

Nhìn rộng hơn, các cuộc chiến thương mại do Tổng thống Trump khởi xướng đang có những ảnh hưởng sâu sắc đến nền kinh tế thế giới.

Báo cáo do WTO công bố hồi đầu tuần này dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ giảm tốc xuống còn một nửa so với dự báo hồi tháng Tư.

Hồi tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng cảnh báo rằng xung đột thương mại leo thang đang gia tăng sức ép lên niềm tin và hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, làm dấy lên những bất ổn về chính sách, tăng rủi ro trên thị trường tài chính và gây phương hại cho triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Với nỗi lo suy thoái đang có chiều hướng gia tăng, một trận chiến thương mại tốn kém khác giữa Mỹ và châu Âu không phải là điều thế giới mong đợi lúc này./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục