Ngân hàng Trung ương Pháp ngày 10/12 đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này, đồng thời cho biết tăng trưởng của Pháp trong quý bốn sẽ gần như chững lại, trong bối cảnh làn sóng biểu tình "Áo vàng" phản đối chính phủ tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh.
Theo ngân hàng trên, nền kinh tế lớn thứ hai Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chỉ tăng trưởng 0,2% trong quý bốn so với mức dự báo đưa ra trước đó (và mức đạt được trong quý ba) là 0,4%.
Kết quả khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) hàng tháng của Ngân hàng trung ương Pháp cũng cho thấy các cuộc biểu tình, vốn ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng và hoạt động bán lẻ, đã tác động mạnh tới hoạt động kinh doanh trong tháng 11 vừa qua.
Chỉ số BCI trong lĩnh vực sản xuất đã giảm xuống 101, từ mức 102 hồi tháng 10 trước đó và là mức thấp nhất trong bốn tháng trở lại đây, chủ yếu do các cuộc biểu tình tác động tới những doanh nghiệp sản xuất ôtô và các công ty công nghệ thực phẩm. Trong bối cảnh đó, các lĩnh vực giao thông, kinh doanh nhà hàng và sửa chữa ôtô cũng đang cho thấy những dấu hiệu thụt lùi.
[Dự báo tăng trưởng kinh tế khó đạt được của Chính phủ Pháp]
Cùng ngày 10/12, trả lời phỏng vấn Đài phát thanh RTL, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo các cuộc biểu tình bạo loạn tại Pháp gần một tháng qua sẽ khiến Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý bốn sụt giảm 0,1 điểm phần trăm. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về khả năng hạ dự báo mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm nay mà Chính phủ Pháp đặt ra trước đó (mức 1,7%).
Hôm 8/12, khi tới thị sát các cửa hiệu ở thủ đô Paris chịu nạn cướp bóc trong cuộc bạo loạn gắn với các cuộc biểu tình của phong trào "Áo vàng," Bộ trưởng Le Maire cũng cảnh báo tình hình này là "một thảm họa" đối với thương mại, cũng như "thảm họa" đối với nền kinh tế Pháp.
Dự kiến vào 8h tối 10/12 theo giờ địa phương (rạng sáng 11/12 theo giờ Việt Nam), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu trên truyền hình trong nỗ lực nhằm trấn an những người biểu tình "Áo vàng."
Cuộc biểu tình của lực lượng "Áo vàng" xuất phát từ việc phản đối chính sách tăng thuế nhiên liệu đã không ngừng leo thang trong suốt ba tuần qua, gây nhiều hậu quả nặng nề. Mặc dù Chính phủ Pháp ngày 6/12 đã thông báo hủy kế hoạch tăng thuế nhiên liệu, đồng thời thực hiện một số biện pháp nhượng bộ, song tình hình vẫn diễn biến phức tạp.
Nhiều đối tượng quá khích đã phóng hỏa đốt ôtô, cướp phá các cửa hàng và thậm chí còn đập phá Khải Hoàn Môn, công trình biểu tượng nổi tiếng của nước Pháp.
Theo Bộ Nội vụ Pháp, chỉ riêng trong ngày 8/12 đã có tới 136.000 người tham gia các cuộc biểu tình trên khắp cả nước và cảnh sát đã bắt giữ hơn 1.200 người quá khích.
Thủ đô Paris tiếp tục là khu vực hứng chịu hậu quả nặng nề từ những hành vi cướp phá của người biểu tình, với thiệt hại lớn hơn nhiều so với cuộc biểu tình hôm 1/12./.