Ngành thủy sản có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD

Trong những tháng cuối năm, ngành thủy sản đã đặt ra một số mục tiêu chính là tốc độ tăng GDP đạt 4,65%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,69%; kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD...
Thị trường EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. (Ảnh: TTXVN)
Thị trường EU đang là thị trường xuất khẩu thủy sản đứng thứ hai của Việt Nam, chiếm trọng 17% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. (Ảnh: TTXVN)

Sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, ông Nguyễn Ngọc Oai - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), cho biết với dư địa sản lượng tôm, cá tra và nhóm hải sản, dự báo năm 2019 ngành thủy sản sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD.

Theo ông Oai, trong những tháng cuối năm 2019, ngành đã đặt ra một số mục tiêu chính là tốc độ tăng GDP đạt 4,65%; tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt 4,69%; kim ngạch xuất khẩu đạt 10,5 tỷ USD... Nhiệm vụ sáu tháng cuối năm rất nặng nên đòi hỏi toàn ngành phải quyết tâm rất cao, tập trung xây dựng kế hoạch và giải pháp thật cụ thể cho từng lĩnh vực mới đạt được kết quả như mong muốn.

Ông Oai nhấn mạnh, ngành cũng tập trung hơn nữa và phấn đấu gỡ "thẻ vàng" của EC. "Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng trong những tháng cuối năm vì nếu không gỡ được "thẻ vàng" thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành thủy sản, đời sống bà con ngư dân. Do đó, từ nay đến cuối tháng 10/2019, ngành phải tập trung cao nhất khắc phục bốn khuyến nghị của EC. Đến đầu tháng 11/2019, Đoàn kiểm tra của EC sẽ sang Việt Nam.

[6 tháng qua: Ngành thủy sản là điểm sáng của khu vực nông, lâm, thủy]

Ông Như Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản, cho biết thời gian tới, ngành tôm cũng cần triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng sức canh tranh.

Ngành thủy sản có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD ảnh 1Định hướng đến năm 2030, diện tích đất nuôi trồng thủy sản khoảng hơn 7.700ha. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo dự báo, ngành tôm vẫn còn nhiều dư địa phát triển nhưng cần phải tập trung nâng cao chất lượng để vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các thị trường khó tính. Đối với cá tra, phải đổi mới liên tục thì mới đảm bảo được sức cạnh tranh trên sân chơi quốc tế.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản, cho rằng sáu tháng cuối năm ngành sẽ gặp khó khăn như mưa bão, "thẻ vàng," rào cản thương mại... Do đó, các đơn vị trong ngành cần phải tập trung vào các nhóm giải pháp như việc ưu tiên tổ chức các văn bản triển khai Luật thủy sản, hiện vẫn còn vướng mắc trong triển khai tại các địa phương về vấn đề chứng nhận, xác nhận... Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, đề án nhằm áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng, khai thác thủy sản...

Theo Tổng cục thủy sản, ước sáu tháng đầu năm, giá trị sản xuất tăng 6,5% (kế hoạch cả năm là 4,69%). Tổng sản lượng thủy sản đạt gần 4 triệu tấn, tăng trên 6% so với cùng kỳ năm 2018. Ước kim ngạch xuất khẩu thủy sản sáu tháng đầu năm đạt 4 tỷ USD, bằng trên 100% so với cùng kỳ năm ngoái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục