Nguồn cung dầu mỏ thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm

Các chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ nhận định, giữa lúc dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ, Brazil và nhiều quốc gia khác, nhu cầu đối với dầu mỏ đang đứng trước rủi ro lớn.
Nguồn cung dầu mỏ thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm ảnh 1Saudi Arabia tiếp tục cắt giảm sản lượng dầu. (Ảnh: AFP/Getty)

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nguồn cung dầu mỏ toàn cầu trong tháng 6/2020 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm qua.

Báo cáo tháng 7/2020 của IEA cho biết, trong tháng trước, sản lượng dầu mỏ thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 năm qua, sau khi Saudi Arabia cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày, vượt quá các cam kết trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+), trong khi sản lượng ở Iraq và Mỹ giảm khoảng 500.000 thùng/ngày.

Theo báo cáo, với 86,9 triệu thùng/ngày, nguồn cung dầu mỏ thế giới đã giảm 2,4 triệu thùng/ngày so với tháng 5 và 13,4 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái. Các chuyên gia phân tích thị trường dầu mỏ nhận định, giữa lúc dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp tại Mỹ, Brazil và nhiều quốc gia khác, nhu cầu đối với dầu mỏ đang đứng trước rủi ro lớn. Giới đầu tư hiện đang dõi theo cuộc họp của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 17/7 tới.

Giá dầu đi xuống trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/7 tại thị trường châu Á, hướng tới một tuần mất giá do lượng dầu dự trữ tăng cao trong khi số ca mắc mới COVID-19 tính theo ngày tại Mỹ leo lên mức cao kỷ lục, làm dấy lên lo ngại về triển vọng phục hồi kinh tế và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 71 xu Mỹ (1,7%), xuống 41,64 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ hạ 77 xu Mỹ (1,9%), xuống 38,85 USD/thùng. Như vậy, giá dầu WTI có khả năng giảm khoảng 4,5% trong tuần này, còn giá dầu Brent hướng tới mức giảm gần 3%.

Giới chuyên gia nhận định, tình trạng mất việc làm đang gia tăng khi một số quốc gia tiếp tục áp dụng các lệnh phong tỏa, tình hình dịch bệnh tại Mỹ diễn biến khó lường là những tín hiệu xấu cho triển vọng nhu cầu dầu mỏ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục