Nhật Bản đã đạt thặng dư tài khoản vãng lai tháng thứ 13 liên tiếp trong bối cảnh trong bối cảnh giá dầu mỏ kéo theo sự sụt giảm kim ngạch nhập khẩu còn đồng yen mất giá giúp tăng thu nhập từ nước ngoài.
Nhật báo hàng đầu Mainichi của Nhật Bản số ra ngày 8/9 công bố số liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy thặng dư tài khoản vãng lai trong tháng 7 ở mức 1.808,6 tỷ yen (tương đương khoảng 15,1 tỷ USD), tăng 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước, theo đó thâm hụt thương mại và hàng hóa giảm 87,4% xuống 108 tỷ yen.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu đạt 6.544,8 tỷ yen, tăng 4,6 % so với cùng kỳ năm trước, trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 6,5% xuống còn 6.652,9 tỷ yen. Nhập khẩu dầu thô giảm 24,6%, trong khi nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng giảm 40,7%.
Nền kinh tế của Nhật Bản thời gian qua đã phải chịu ảnh hưởng lớn từ sự lệ thuộc vào nhập khẩu năng lượng kể từ sau thảm họa kép làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở vùng đông bắc Nhật Bản hồi 3/2011, đẩy nước này vào tình trạng khan hiếm năng lượng.
Hầu hết các lò phản ứng hạt nhân thương mại của Nhật Bản hiện vẫn còn ngưng hoạt động do những nghi ngại và phản đối của người dân về độ an toàn của chúng, bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm tái khởi động điện hạt nhân để vực dậy nền kinh tế nước này.
Số liệu của Bộ trên cũng cho thấy, tỷ giá đồng yen/USD giảm 21,16% so với cùng kỳ năm ngoái giúp thu hút lượng lớn du khách nước ngoài đến Nhật Bản, khiến cán cân du lịch đạt thặng dư 129,5 tỷ yen, mức cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu được thống kê năm 1996.
Bên cạnh đó, thu nhập từ các khoản đầu tư ở nước ngoài tăng 19,6% lên mức 2.231,2 tỷ yen.
Ngoài ra, thâm hụt thương mại trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm cả vận tải hành khách và vận chuyển hàng hóa là 183,6 tỷ yen.
Việc đồng yen yếu sẽ giúp tăng thu nhập từ nước ngoài khi nó hỗ trợ xuất khẩu giúp cho các sản phẩm của Nhật rẻ hơn và có tính cạnh tranh ở thị trường nước ngoài./.