Nhiều giải pháp tài chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm

Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó sẽ tích cực việc xử lý khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, miễn giảm lãi vay...
Nhiều giải pháp tài chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm ảnh 1Lãi suất cho vay có xu hướng giảm. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Mọi năm vào thời điểm này tín dụng đã tăng mạnh và gần đạt kế hoạch đề ra nhưng năm nay do chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 nên tính đến hết quý 3, tăng trưởng tín dụng mới đạt 6,1%.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, trong bối cảnh hết sức khó khăn do dịch tác động tiêu cực tới nhiều ngành, lĩnh vực thì kết quả trên đã là tín hiệu tích cực trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Ngành ngân hàng đã đưa ra nhiều giải pháp như giảm lãi suất, triển khai các giải pháp tài chính tổng thể để giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng thuận tiện và nhanh nhất nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Lãi suất đã giảm sâu

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành lần thứ 3 trong năm nay là một chỉ dấu để các ngân hàng thương mại tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Việc hạ lãi suất sẽ giúp thúc đẩy và kích hoạt nhu cầu về vốn trong nền kinh tế tăng lên.

Hiện lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng thương mại giờ đã về mốc 6%/năm, thậm chí có ngân hàng đã mạnh tay giảm lãi suất cho vay về mức 5%/năm, thấp hơn cả mức lãi suất tiết kiệm thông thường 1 năm. Xu hướng lãi suất cho vay giảm có thể sẽ kéo dài sang đầu năm 2021.

Ông Nguyễn Văn Lê, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn-Hà Nội (SHB) nhận định: "Điều chỉnh giảm lãi suất điều hành là cơ sở để giảm lãi suất trong quý 4 và tiếp tục xu hướng giảm trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ để phục hồi sản xuất kinh doanh."

Nhiều ngân hàng đã chủ động tiết giảm chi chí hoạt động, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí vốn để tạo điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Lãi suất cho vay đã được các ngân hàng giảm từ 2%-2,5% đối với các ngành nghề ưu tiên, khuyến khích, các lĩnh vực thiết yếu của nền kinh tế.

[Ngân hàng Nhà nước: Tính đến 30/9, tăng trưởng tín dụng đã đạt 6,09%]

Hiện các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 271.000 khách hàng với dư nợ 321.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 485.000 khách hàng với dư nợ 1,18 triệu tỷ đồng.

Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới lãi suất ưu đãi (thấp hơn phổ biến từ 0,5%-2,5% so với trước dịch) với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,6 triệu tỷ đồng cho 310.000 khách hàng.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc hạ lãi suất là giải pháp cơ bản, quan trọng cho tín dụng mở rộng.

Việc liên tiếp giảm lãi suất đầu ra sẽ khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm, nhưng nếu không chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp lúc này thì hệ lụy nợ xấu trong tương lai là điều không thể tránh khỏi. Vì vậy, việc sụt giảm lợi nhuận cũng là điều nhiều ngân hàng chủ động dự liệu.

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) chia sẻ: “Chúng tôi dự kiến trong năm 2020 sẽ dành khoảng 3.000-4.000 tỷ đồng từ việc giảm lợi nhuận của ngân hàng để hỗ trợ cho nền kinh tế thông qua việc giảm lãi suất cho vay, miễn, giảm phí dịch vụ cho doanh nghiệp và người dân. Tính đến hết tháng Tám, chúng tôi đã thực hiện việc hạ lãi suất cho vay, tác động đến lợi nhuận của ngân hàng khoảng 2.000 tỷ đồng và tiết giảm phí dịch vụ khoảng 500 tỷ đến gần 600 tỷ đồng.”  

Hiện dư nợ tín dụng của ngân hàng này đang có dấu hiệu hồi phục tích cực, tốc độ tăng trưởng được cải thiện tạo đà cho các tháng cuối năm.

Nhiều giải pháp tài chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Dù vậy, lãnh đạo các doanh nghiệp cho rằng, lãi suất thấp phải được duy trì ngay cả khi Việt Nam hết dịch thì ý nghĩa của việc giảm lãi suất mới phát huy được tối đa tác dụng.

Bà Bùi Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc Sungroup cho biết: “Theo tính toán của doanh nghiệp, sẽ cần khoảng 24-36 tháng thì ngành du lịch mới có thể quay lại như trước khi dịch xảy ra. Vì vậy, chúng tôi mong muốn nhận được thêm thời gian hỗ trợ bao gồm cả câu chuyện giảm phí, giảm lãi, tái cấu trúc các khoản vay, giảm thuế...”

Tăng trưởng tín dụng đạt 9% là khả thi

Hiện nhiều ngân hàng đang triển khai các giải pháp tài chính tổng thể để giúp doanh nghiệp và người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng thuận tiện nhất, đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu chính đáng về vốn và dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế.

“Chúng tôi cũng đang triển khai các chương trình để đầu tư, tạo ra những hạ tầng tốt trong các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế lớn của cả nước, góp phần xây dựng hệ thống hạ tầng tốt để sẵn sàng đón những dòng vốn đầu tư mới kể cả trong nước và nước ngoài đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam,” Chủ tịch VietinBank cho biết thêm.

VietinBank cũng đang tiếp tục tập trung tăng trưởng tín dụng theo thế mạnh. Trong đó, ưu tiên tăng trưởng vào các doanh nghiệp có chất lượng tốt thuộc các nhóm ngành như bưu chính viễn thông, Fintech, trung gian thanh toán; dược phẩm, thiết bị y tế…

Trong 3 tháng còn lại của năm 2020, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước  khẳng định sẽ tiếp tục bám sát kế hoạch để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong điều kiện dịch được kiểm soát tốt như hiện nay và hoạt động của doanh nghiệp cải thiện, cùng với các chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu tích cực, thì dư nợ tín dụng có thể tăng 8-10%, khoảng trên 9% là mức khả thi.

Để đạt được mục tiêu đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó thời gian qua thực hiện rất tích cực việc xử lý khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cơ cấu lại các khoản nợ đến hạn, miễn giảm lãi vay...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho một số tổ chức tín dụng có nhu cầu và có khả năng tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt đầu năm.

“Sắp tới, tổ chức tín dụng nào có nhu cầu điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét trên tinh thần vừa tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn phải theo nguyên tắc đảm bảo an toàn, hiệu quả,” bà Hồng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo bà Hồng, việc tạo điều kiện cho khách hàng vay mới nhưng không hạ chuẩn cho vay, đảm bảo chất lượng, an toàn tín dụng, duy trì hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng tiêu dùng và cho vay bằng ngoại tệ.

"Theo kinh nghiệm cho thấy rằng nếu như sự an toàn của hệ thống ngân hàng không được đảm bảo thì sẽ gây một hệ luỵ vô cùng khó khăn cho nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng," bà Hồng nhấn mạnh./.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ chia sẻ về việc giảm chi phí hỗ trợ doanh nghiệp:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục