Niger trục xuất nhiều người Rwanda có liên quan đến tội ác diệt chủng

Theo chỉ thị do Bộ trưởng Nội vụ Niger ký, 8 người Rwanda có liên quan đến vụ diệt chủng năm 1994 ở quốc gia Đông Phi sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Niger với lệnh cấm cư trú vĩnh viễn.
Niger trục xuất nhiều người Rwanda có liên quan đến tội ác diệt chủng ảnh 1Một khu đài tưởng niệm các nạn nhân diệt chủng ở Kibuye, miền tây Rwanda, ngày 3/12/2020. (Nguồn: newsaf.cgtn.com)

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, ngày 29/12, Niger đã ra lệnh trục xuất 8 người Rwanda có liên quan đến vụ diệt chủng năm 1994 ở quốc gia Đông Phi này vì "lý do ngoại giao,” chỉ một tháng sau khi những người này được chào đón tại thủ đô Niamey của Niger.

Chính phủ Niger đã đảo ngược chính sách sau khi Rwanda bày tỏ sự không hài lòng về việc những người nói trên đến Niamey. Theo chỉ thị do Bộ trưởng Nội vụ Niger Hamadou Amadou Souley ký, “những nhân vật trên sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Niger với lệnh cấm cư trú vĩnh viễn vì lý do ngoại giao.”

Trong số 8 cái tên được liệt kê, 4 người đã bị Tòa án Hình sự Quốc tế về Rwanda (ICTR) kết án vi phạm tội ác diệt chủng, bao gồm cựu tỉnh trưởng Alphonse Nteziryayo, cựu Giám đốc Tình báo quân đội Anatole Nsengiyumva, các cựu sỹ quan quân đội Tharcisse Muvunyi và Innocent Sagahutu.

[Pháp nhận trách nhiệm trong thảm họa diệt chủng tại Rwanda]

Bốn nhân vật khác được ICTR tuyên trắng án là ông Protais Zigiranyirazo, anh trai của cựu đệ nhất phu nhân Agathe Habyarimana, được coi là nhân vật nổi bật trong chế độ Hutu; ông Francois-Xavier Nzuwonemeye, cựu chỉ huy một tiểu đoàn tinh nhuệ; cựu Bộ trưởng Giao thông Andre Ntagerura và cựu Bộ trưởng Dịch vụ dân sự Prosper Mugiraneza. Lệnh trục xuất còn cho biết “các bên liên quan sẽ được thông báo rời khỏi lãnh thổ Niger trong vòng 7 ngày.”

Ngày 15/11 vừa qua, Niger đã ký thỏa thuận với Liên hợp quốc về việc tiếp nhận 9 người Rwanda - bao gồm 8 người bị trục xuất nói trên cùng cựu Ngoại trưởng Rwanda Jerome Clement Bicamumpaka, người được ICTR tuyên bố trắng án.

Khoảng 800.000 người đã thiệt mạng trong khoảng thời gian từ tháng Tư đến tháng Bảy năm 1994 ở Rwanda khi chính quyền do đa số người Hutu lãnh đạo tìm cách tiêu diệt dân tộc thiểu số Tutsi, gây ra một trong những vụ thảm sát lớn nhất thế kỷ 20./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục