Nợ xấu 'phình to': 'Cây đũa thần 42' chưa thể hoàn tất sứ mệnh lịch sử

Việc gia hạn Nghị quyết 42 là rất cần thiết vì hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc, mà điển hình là sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng cùng với địa phương vẫn chưa kịp thời.
Nợ xấu 'phình to': 'Cây đũa thần 42' chưa thể hoàn tất sứ mệnh lịch sử ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Năm vừa qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nợ xấu nhiều ngân hàng đồng loạt tăng mạnh, tỷ lệ nợ xấu nếu tính cả nợ đã cơ cấu lại theo Thông tư 01 lên đến 7,42%. 

Trong bối cảnh đó, Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng lại sắp hết hiệu lực thi hành sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Công ty quản lý nợ và tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), ảnh hưởng tiêu cực đến mọi hoạt động của nền kinh tế. Vì vậy, để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi chưa ban hành được Luật, Chính phủ đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết này trong giai đoạn 2022-2025. 

Nợ xấu nội bảng có thể lên mức 2,5%

Chuyên gia tài chính ngân hàng, tiến sỹ Cấn Văn Lực dự báo nợ xấu nội bảng sẽ lên mức 2,3%-2,5% đồng thời nợ xấu gộp sẽ khoảng 6% trong năm 2022 và có thể còn ở mức cao hơn khi từ năm 2024, quy định giữ nguyên nhóm nợ hết hiệu lực (theo Thông tư 14) nếu tình hình phục hồi kinh tế thiếu khả quan.

Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 1,9% (tăng 0,21 điểm % so với cuối năm 2020), nếu tính thêm nợ bán cho VAMC thì con số này là 3,9%.

Tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,42% (năm 2020 là 5,1%). Như vậy, chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung đang tiềm ẩn nguy cơ rủi ro lớn và rất đáng quan ngại.

[Nợ xấu "phình to," thành quả xử lý 5 năm có nguy cơ bị san phẳng]

Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao là VPBank, VietinBank, VIB, HDBank, Techcombank, Nam A Bank, NCB… Bình quân số dư nợ xấu của 28 ngân hàng thương mại niêm yết và Agribank tăng 17,3% so với năm 2020.

Nhiều chuyên gia cho rằng nợ xấu sẽ sớm lộ diện trên báo cáo tài chính các ngân hàng khi thời hạn cơ cấu nợ xấu chỉ kéo dài đến ngày 30/6/2022. Do không còn đợt giãn nợ nào khác nên sau thời hạn này, các ngân hàng sẽ công bố nợ xấu thực tế.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định nợ xấu của các tổ chức tín dụng, tức là nợ xấu của nền kinh tế, hiện nay có xu hướng tăng lên. Đây là điều dễ hiểu do hậu quả của dịch COVID-19 trong hai năm qua. Vì vậy về lâu dài, muốn kiểm soát được nợ xấu, giảm được nợ xấu thì phải làm cho doanh nghiệp thoát ra khỏi khó khăn, sớm phục hồi trở lại hoạt động bình thường.

Dù vậy, chuyên gia Cấn Văn Lực cũng cho biết điểm sáng từ hệ thống tổ chức tín dụng là tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành đã tăng mạnh trong vòng 6 năm qua, từ mức 66% cuối năm 2016 lên đến mức 150% nhờ động thái chủ động trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại niêm yết.

Nợ xấu 'phình to': 'Cây đũa thần 42' chưa thể hoàn tất sứ mệnh lịch sử ảnh 2Tỷ lệ bao phủ nợ xấu của một số ngân hàng tính đến hết năm 2021. (Đơn vị: %)

Thậm chí, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hợp nhất còn đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay tại một số ngân hàng như Vietcombank đạt 424%, MB đạt 268%, BIDV đạt 219%, ACB đạt 210%…, qua đó tăng "sức đề kháng" cho toàn hệ thống trước những diễn biến khó lường của đại dịch.

Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng các ngân hàng nói riêng và hệ thống tài chính nói chung không thể chủ quan khi mà tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ được tính toán với các khoản nợ xấu nội bảng, mà chưa tính đến các khoản nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và các khoản nợ xấu tiềm ẩn từ nợ tái cơ cấu.

Gia hạn Nghị quyết 42 là giải pháp cần thiết

Được biết, trước khi có Nghị quyết số 42, nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng chủ yếu được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm và khách hàng trả nợ còn chưa cao. Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng trả nợ đã tăng rõ rệt.

Theo đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước nêu rõ lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến ngày 30/11/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 373.300 tỷ đồng nợ xấu; trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 193.300 tỷ đồng; xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 98.400 tỷ đồng...

Tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng Nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng. Nợ xấu và tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng liên tục từ năm 2020 đến nay.

Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đề xuất kéo dài thời hạn của Nghị quyết 42 đến ngày 15/8/2025 thay vì hạn cuối là 15/8/2022. Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất Chính phủ có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất xây dựng luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, việc chấm dứt cơ chế xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 sẽ dẫn đến các khoản nợ cũ chưa xử lý xong, trong khi đó nợ xấu mới tiếp tục hình thành do đại dịch COVID-19, sẽ phải kéo dài hoặc không thể xử lý được đồng thời gây bất ổn cho nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Tác động tiêu cực nữa có thể xảy ra là làm giảm ý thức tự trả nợ của khách hàng, quyền chủ nợ hợp pháp của các tổ chức tín dụng không được bảo vệ.

Nợ xấu 'phình to': 'Cây đũa thần 42' chưa thể hoàn tất sứ mệnh lịch sử ảnh 3Nợ xấu nội bảng và nợ xấu gộp từ năm 2016-2021. (Đơn vị: %)

Một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng việc gia hạn thêm Nghị định 42 là rất cần thiết vì hiện tại vẫn còn nhiều vướng mắc chính. Điển hình là sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương vẫn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán. Ngoài ra, vẫn còn những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo liên quan đến quyền thu giữ tài sản đảm bảo của tổ chức tín dụng và khó khăn trong khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và tài sản đảm bảo. Đặc biệt là sự thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự tại Việt Nam.

“Về lâu dài, để giải quyết sự chưa thống nhất, xung đột pháp lý giữa quy định tại Nghị quyết 42 với các văn bản pháp luật khác liên quan đến hoạt động xử lý nợ xấu, góp phần tăng hiệu lực hiệu quả thế chế thì việc ban hành Luật Xử lý nợ xấu là rất cần thiết,” vị này nhấn mạnh.

Bộ Tư pháp cũng vừa chủ trì phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết 42, đã số các ý kiến tại cuộc họp cơ bản nhất trí với việc gia hạn việc thực hiện Nghị quyết số 42 và cho rằng cần đánh giá thêm tác động đối với các đối tượng điều chỉnh khi kéo dài việc thực hiện.

Hơn nữa, trong quá trình thực hiện có những khó khăn, vướng mắc nhưng tại thời điểm hiện nay chưa thể xây dựng luật, nên khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực thi hành thì toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết đang được thực hiện sẽ chấm dứt. Điều này tạo ra một khoảng trống pháp luật nên cần phải kéo dài việc thực hiện Nghị quyết 42 trước khi luật được ban hành./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục