Với 517 phiếu thuận và 38 phiếu chống, Nghị viện châu Âu (EP) ngày 20/4 phê chuẩn một cơ chế cấp phép tiền kỹ thuật số (MiCA), trở thành nơi đầu tiên trên thế giới có đạo luật toàn diện về tiền kỹ thuật số.
MiCA sẽ có hiệu lực từ năm 2024.
EP cũng thông qua một đạo luật khác quy định về Chuyển quỹ, theo đó yêu cầu các công ty tiền kỹ thuật số phải xác minh khách hàng của mình nhằm ngăn chặn rửa tiền. Đạo luật được thông qua với 529 phiếu thuận, 29 phiếu chống.
Trên trang Twitter, Ủy viên châu Âu về ổn định tài chính và vốn thị trường Mairead McGuinness cho biết đây là cuộc bỏ phiếu “đầu tiên trên thế giới” về các quy định đối với tiền kỹ thuật số.
Bà nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của thị trường. Các quy định trên sẽ bắt đầu được thực thi từ năm 2024."
Về phần mình, nghị sỹ Stefan Berger, người đứng đầu các cuộc đàm phán về đạo luật trên, cho biết quy định mới sẽ đưa EU “lên vị trí dẫn đầu của nền kinh tế mã hóa."
Ông khẳng định: “Ngành công nghiệp tài sản kỹ thuật số của châu Âu được quản lý rõ ràng và điều này chưa từng tồn tại ở các nước như Mỹ. Lĩnh vực vốn bị ảnh hưởng bởi sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa FTX giờ đây có thể lấy lại uy tín.”
[Chính phủ Anh cân nhắc ban hành quy định pháp lý về tiền kỹ thuật số]
Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Masato Kanda cho biết Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ tìm giải pháp tốt nhất để giúp các nước đang phát triển ra mắt các loại tiền kỹ thuật số do ngân hàng trung ương phát hành (CBDC) phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị mùa Xuân của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở Washington (Mỹ), ông Kanda nhấn mạnh: “Là một ưu tiên của năm nay, G7 sẽ xem xét cách tốt nhất để giúp các nước đang phát triển ra mắt CBDC phù hợp với các tiêu chuẩn, trong đó có nguyên tắc chính sách công của G7 đối với CBDC bán lẻ.”
Ông cho biết đây sẽ là một trong những chủ đề chính trong các cuộc thảo luận tại G7 năm nay do Nhật Bản chủ trì, nhằm giải quyết những thách thức mà cộng đồng toàn cầu phải đối mặt từ công nghệ kỹ thuật số.
Quan chức này đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các rủi ro từ sự phát triển CBDC bằng cách đảm bảo các yếu tố như tính minh bạch và quản trị tốt.
Ngoài các nước G7, Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc phát hành CBDC. Các ngân hàng trung ương G7 đã đặt ra các tiêu chuẩn chung đối với việc phát hành CBDC, trong khi một số nước đang áp dụng thử nghiệm.
Bên cạnh những tiện lợi, ông Kanda cũng cảnh báo những thách thức mà công nghệ kỹ thuật số mang đến như nguy cơ an ninh mạng, lan truyền thông tin sai lệch, chia rẽ xã hội và chính trị cũng như nguy cơ gây bất ổn cho thị trường tài chính.
Đáng chú ý, sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền điện tử FTX vào năm ngoái cho thấy các nhà hoạch định chính sách cần tạo ra các quy định xuyên biên giới./.