Nông nghiệp công nghệ cao: Chính sách nhiều, thụ hưởng thực tế ít

Nông nghiệp công nghệ cao: Chính sách nhiều, thụ hưởng thực tế rất ít

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nhận định hiện chính sách về nông nghiệp công nghệ cao đã có nhiều nhưng sự tiếp cận, mức thụ hưởng của các doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn rất ít.
Nông nghiệp công nghệ cao: Chính sách nhiều, thụ hưởng thực tế rất ít ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Bình Phước. (Ảnh:Thống Nhất/TTXVN)

Ngay từ đầu năm nay, nhiều quỹ đầu tư khởi nghiệp đã thông báo rót vốn vào các dự án khởi nghiệp ngành nông nghiệp công nghệ cao và đang tiếp tục tìm dự án triển vọng để đầu tư trong thời gian tới.

Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, “nút thắt” cả khách quan và chủ quan đối với các doanh nghiệp lựa chọn con đường khởi nghiệp với nông nghiệp công nghệ cao.

Để thông tin về vấn đề này, chiều 24/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tạo đà cho khởi nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.”

Khách mời tham gia tọa đàm có ông Trần Quốc Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Ban Quản lý dự án “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu khoa học và công nghệ” (FIRST); ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Trần Lệ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Hoa Anh Đào, tiến sỹ ngành công nghệ sinh học.

Đề cập tới những ưu đãi đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, ông Trần Quốc Thắng nhấn mạnh từ 2010, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 với mục tiêu Thúc đẩy phát triển và ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trước mắt và lâu dài...

Sau khi có Luật công nghệ cao, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ban hành nhiều chương trình, chính sách thể hiện quyết tâm trong phát triển doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.

Theo ông Thắng, người đứng đầu Chính phủ đã có tuyên ngôn rất rõ ràng về vấn đề này là Chính phủ sẽ ưu tiên hỗ trợ, tạo điều kiện về đất đai, vốn cho bất cứ hộ nông dân, địa phương, doanh nghiệp nào làm nông nghiệp công nghệ cao để xây dựng nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam phát triển trong tương lai. Quyết tâm này được thể hiện qua hàng loạt các cơ chế, chính sách rất cụ thể để khuyết khích phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này nhưng là các chính sách về vốn, về thuế, về đất đai...

Cũng cùng đánh giá này, thấy rằng Đảng, Chính phủ đã có rất nhiều chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này dựa vào tầm quan trọng của nông nghiệp đối với đất nước, tuy nhiên theo ông Đậu Anh Tuấn cần thiết có sự đánh giá, tổng kết hiệu quả của các chính sách này có tác động tới đâu trong quá trình thúc đẩy doanh nghiệp nông nghiệp áp dụng công nghệ cao phát tiển.

Ông Tuấn nhìn nhận về mặt chính sách có rất nhiều ưu đãi về thuế, vốn, đất đai... nhưng các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, những hộ sản xuất nông nghiệp lớn vẫn gặp những khó khăn: "tuy nhiều chính sách nhưng sự tiếp cận, mức thụ hưởng của các doanh nghiệp trên thực tế vẫn còn rất ít, họ đang gặp nhiều rào cản, khó khăn." 

Là vị khách mời đặc biệt của chương trình, dưới góc độ là một doanh nghiệp khởi nghiệp thành công với mô hình trồng hoa anh đào ông Trần Lệ cho rằng để doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cần phải trang bị, trau dồi kiến thức về công nghệ cao, nắm vững chuyên môn mới khởi nghiệp thành công.

Trả lời câu hỏi làm gì để tiếp cận nguồn vốn trong khởi nghiệp của doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ông Trần Quốc Thắng cho rằng trước tiên doanh nghiệp cần hình thành ý tưởng, xác định công nghệ liên quan, đội ngũ nhân lực thực hiện...

Còn ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận tạo thuận lợi trong khởi nghiệp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, đặc biệt về vốn thì thời gian tới phải rà soát lại hiệu của của chính sách ưu đãi thuế, vốn, đưa ra những giải pháp đồng thời có sự ưu tiên giảm phí cho người dân sản xuất nông nhiệp...

Các câu hỏi về tháo gỡ nút thắt trong quá trình thu hút đầu tư, huy động vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; cách thức tiếp cận sự hỗ trợ về vốn, những cơ chế chính sách ưu đãi; vấn đề đảm bảo phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường... đã được các vị khách mời, trao đổi tại cuộc tọa đàm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục