Đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng sản xuất rau quả hữu cơ và lúa chất lượng cao

Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình có quy mô đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng với mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín hoàn toàn.
Đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng sản xuất rau quả hữu cơ và lúa chất lượng cao ảnh 1Người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp hiện đang là hoạt động được Chính phủ và ngành nông nghiệp dốc sức triển khai; coi công nghệ cao là khâu đột phá tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng những nhóm sản phẩm quốc gia, chủ lực của các tỉnh, thành phố và địa phương.

Thực hiện chủ trương này, ngày hôm nay (24/2), tập đoàn TH phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Bình đã tổ chức Lễ Khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao, tại xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).

Dự án nông nghiệp công nghệ cao sản xuất rau củ quả hữu cơ và lúa chất lượng cao tại Thái Bình được tư vấn đầu tư bởi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á và vận hành bởi Công ty cổ phần sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF).

Dự án có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, diện tích sản xuất khoảng 3.000ha. Trong số đó diện tích sản xuất rau, củ quả sạch dự kiến sử dụng khoảng 1.000ha; diện tích trồng lúa và sản xuất dầu gạo dự kiến sử dụng khoảng 2.000ha. Tập đoàn đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín từ xây dựng vườn ươm, trồng trọt, chiết xuất, thu hái thành phẩm, xử lý và đóng gói, phân phối sản phẩm.

Bà Thái Hương- Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn TH cho biết, các sản phẩm của Dự án sẽ được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP và tiêu chuẩn Organic (hữu cơ) đạt chứng nhận EC 834-2007, EC 889-2008 của Châu Âu và USDA-NOP của Mỹ theo hướng “5 không” (không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen).

“Tiến trình sản xuất áp dụng quy trình kiểm soát dịch hại tổng hợp (nguồn giống được lựa chọn kỹ càng có sức đề kháng cao và không mang mầm bệnh; đất trồng, nước tưới an toàn; phương pháp canh tác khoa học có nhật ký hành trình theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây cũng như thu hoạch, sơ chế, bảo quản và phân phối, luôn đạt yêu cầu cao về tính kỷ luật và tuân thủ). Trên mỗi sản phẩm đều có cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng,” bà Thái Hương khẳng định.

Đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng sản xuất rau quả hữu cơ và lúa chất lượng cao ảnh 2Các đại diện tham dự nghi lễ khởi công Dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Bà Thái Hương cũng cho biết, toàn bộ diện tích đất của Dự án được thuê lại của nông dân. Mỗi hộ gia đình có diện tích đất cho thuê sẽ được tạo điều kiện cho một lao động tham gia sản xuất tại các Dự án do Tập đoàn đầu tư và được hưởng thu nhập theo mức quy định của Tập đoàn, chi phí thấp nhất không dưới 5 triệu đồng/tháng. Theo đó một năm tập đoàn sẽ trả tiền thuê đất cho nông dân theo vụ thu hoạch (năm 2 vụ) để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

“Điểm nhấn mới của Dự án là kết hợp sản phẩm nông nghiệp và du lịch. Đây sẽ là Dự án đầu tiên của Tập đoàn TH thiết kế  theo chiến lược đầu tư vào nông nghiệp sạch, hữu cơ ứng dụng công nghệ cao đưa tới tay người tiêu dùng những sản phẩm hoàn toàn từ thiên nhiên, vì sức khỏe cộng đồng kết hợp với du lịch sinh thái văn hóa, làng nghề trên nền tảng bảo tồn và phát huy tinh hoa văn hóa, bản sắc của dân tộc; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng GDP cho ngành nông nghiệp,” bà Thái Hương nhấn mạnh.

Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Dũng Nghĩa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), cũng cho biết cái khó khi thực hiện dự án này là việc tích tụ ruộng đất, do vậy các cán bộ địa phương phải tuyên truyền cho người dân nắm được việc thực hiện giao đất hoãn lại cho doanh nghiệp sẽ góp phần tăng giá trị và năng suất cao đồng thời người dân còn được thụ hưởng lợi ích thông qua việc cho thuê đất này.

“Bình thường mảnh đất người nông dân sản xuất họ vẫn phải chịu những chi phi phí và việc phải phụ thuộc thiên nhiên cho nên năng suất và sản lượng của người nông dân không ổn định, trong khi việc bàn giao cho tập đoàn TH thì năng suất và sản lượng người dân được hưởng đã nắm chắc trong tay, tức là chưa làm người ta cũng đã có một khoản thu nhập ổn định. Ngoài ra, nếu còn nằm trong độ tuổi lao động thì người dân có thể tham gia để sản xuất cho doanh nghiệp. Từ đó người dân thấy rõ được quyền lợi của mình và những ưu đãi do đó việc tích tụ ruộng đất được thực hiện thuận lợi hơn,” Chủ tịch Nguyễn Văn Thụ nói.

Về mặt chính sách, tại Lễ Khởi công, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong lĩnh vực này khi phê duyệt gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao là 100.000 tỷ đồng và xem xét kiến nghị Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Đất đai để đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xóa đi sự manh mún, nhỏ lẻ của nền nông nghiệp”.

Phát biểu tại buổi lễ khởi công, Phó Thủ Tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng kỳ vọng việc đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao lần này sẽ mở đường cho nhiều doanh nghiệp đầu tư hơn nữa đến lĩnh vực này. Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao về sự mạnh dạn đầu tư của tập đoàn TH theo đó bên cạnh sự phát triển nông nghiệp, các hoạt động khác như công nghiệp chế biến và dịch vụ cũng được đẩy mạnh phát triển và đưa Thái Bình trở thành một trung tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Phó Thủ tướng yều cầu các địa phương nói riêng cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung tích tụ ruộng đất phục vụ phát triển các dự án nông nghiệp quy mô lớn. Đầu tư mạnh mẽ và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị ngành nông nghiệp. Bên cạnh tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị các doanh nghiệp chú trọng và tạo điều kiện việc làm cho lao động các địa phương thuộc vùng dự án, để mỗi dự án công nghệ cao không chỉ mang tới lợi ích cho doanh nghiệp, cho quốc gia, mà còn trực tiếp cải thiện và nâng cao đời sống cho người nông dân.

Thông tin việc tích tụ ruộng đất để thực hiện dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Thái Bình
Lễ khởi công dự án nông nghiệp Công nghệ cao của Tập đoàn TH tại Thái Bình mở đầu một loạt dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tập đoàn ​này ở khu vực phía Bắc. Trong dài hạn, tập đoàn TH sẽ phối hợp với chuyên gia của Viện Nông nghiệp hữu cơ, Hiệp hội Nông nghiệp Công nghệ cao cùng với các chuyên gia quốc tế (Mỹ, Hà Lan, Israel, New Zealand…) nghiên cứu triển khai dự án theo 10 nhóm sản phẩm: Sữa và các sản phẩm từ sữa kết hợp với các cây thảo dược Việt Nam; Nhóm Dược liệu quý hiếm Việt Nam như Lan Thạch Hộc (trồng tại Hà Giang, Yên Bái…); chè và các sản phẩm từ chè theo các phong cách Cung đình Việt Nam và Nhật Bản; các giống gạo có chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng được đánh giá cao hơn gạo Nhật (như gạo Nang Oi-Mường Lống, nếp Rồng-Đô Lương, Nghệ An); lạc; vừng; nhãn lồng Hưng Yên; sầu riêng; bơ; cam.

Song song với việc triển khai các Dự án nông nghiệp công nghệ cao, bà Thái Hương dự kiến nghiên cứu mở các chợ nông sản, thực phẩm sạch trong nước và nước ngoài./.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục