Ổ dịch cúm A/H1N1 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được khống chế

Kết quả giám sát cúm từ hệ thống giám sát quốc gia những tháng đầu năm 2018 ghi nhận virus cúm A/H1N1 chiếm tỷ lệ cao hơn so với các chủng virus cúm mùa khác.
Ổ dịch cúm A/H1N1 ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được khống chế ảnh 1Các bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 điều trị tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên.

Sáng 12/6, tại hội thảo truyền thông về Tuần lễ tiêm chủng mở rộng, phó giáo sư Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết ổ dịch cúm A/H1N1tại Bệnh viện Từ Dũ (Thành phố Hồ Chí Minh) đã được khống chế.

Ông Phu cho hay, vừa qua, cúm A/H1N1 đã bùng phát tại Bệnh viện Từ Dũ với 28 trường hợp mắc bệnh, với sự lây lan nhanh. Bệnh cúm A/H1N1 lây lan nhanh trong môi trường bệnh viện là vấn đề cần quan tâm hơn các môi trường khác như lây trong trường học hay khu dân cư. Ngay sau đó, 28 trường hợp đã được xử lý cách ly, hoãn mổ hay cho ra viện…

[TP. Hồ Chí Minh: Một người tử vong do nhiễm cúm A/H1N1]

Đặc biệt, có một bệnh nhân tử vong do nhiễm cúm A/H1N1 trên nền bệnh mãn tính, sức khỏe của bệnh nhân yếu, miễn dịch giảm, bệnh bùng phát gây tử vong.

Phó giáo sư Phu phân tích, cúm A/H1N1 hiện nay là cúm mùa, cúm thông thường không gây nguy hiểm, tuy nhiên cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời, trên nền bệnh nhân có bệnh.

Tại cuộc họp, giáo sư Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết Viện hàng năm vẫn tiến hành giám sát và lấy mẫu ở tất cả các khu vực, kết quả cho thấy các chủng cúm độc lực cao như cúm không xuất hiện như cúm A/H7N9, cúm H5N1.

Kết quả giám sát cúm từ hệ thống giám sát quốc gia những tháng đầu năm 2018 ghi nhận virus cúm A/H1N1 chiếm tỷ lệ cao hơn so với các chủng virus cúm mùa khác. Hơn 40%, còn lại là cúm B và cúm A/H3N2.

Giáo sư Đặng Đức Anh chỉ rõ, cúm mùa năm nào cũng có như cúm B, cúm A/H1N1. Năm 2009 cúm A/H1N1 bùng phát và được cho rằng đại dịch, tuy nhiên sau này loại cúm này đã được xếp vào nhóm cúm mùa, do nó không phải nhóm cúm có động lực cao.

Theo các chuyên gia, nhiều người bị cúm khi hắt hơi không ý thức che tay, trong khi một lần hắt hơi rất nhiều giọt nước bọt li ti chứa virus cúm bắn ra ngoài, những virus này có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang; tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay.

Để phòng chống cúm, giới chuyên môn khuyến cáo mọi người nên che miệng khi ho, hắt hơi. Sau đó cần rửa sạch bàn tay để khi cầm nắm các vật dụng dùng chung như: tay nắm cửa, nút bấm cầu thang máy… sẽ hạn chế việc lây lan mầm bệnh cho người khác chạm vào.

Người mang virus cúm A/H1N1 có khả năng truyền bệnh cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nhất là nơi tập trung đông người.

Phó giáo sư Trần Đắc Phu nhấn mạnh, hiện nay đã có vắcxin phòng cúm, tuy nhiên mới chỉ triển khai được ở các điểm tiêm vắcxin dịch vụ. Bên cạnh đó, vắcxin cúm cũng có nhược điểm là luôn luôn thay đổi hàng năm, thay đổi theo mùa, đó là đặc thù của cúm, vì vậy người dân, không nên quá lo lắng trước một số truờng hợp mắc cúm mùa H1N1.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động tiêm vắcxin phòng ngừa bệnh cúm. Với vắcxin cúm hiện chưa nằm trong chương trình tiêm chủng miễn phí nhưng người dân có thể tiêm vắcxin này tại các điểm tiêm chủng dịch vụ. Sau tiêm khoảng một tháng, vắcxin sẽ có tác dụng bảo vệ./.

Cảnh báo nhiễm cúm H1N1 trên đối tượng có nguy cơ cao. (Nguồn: Vnews)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục