Phá rừng phòng hộ Đà Lạt, 2 người bị phạt 200 triệu đồng

Hai người phải nộp phạt 200 triệu đồng và phải trồng lại toàn bộ diện tích rừng gần 4.000m2 đã bị chặt hạ tại lô h, khoảnh 11, tiểu khu 158B, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).
Phá rừng phòng hộ Đà Lạt, 2 người bị phạt 200 triệu đồng ảnh 1Lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường vụ phá rừng. (Nguồn: baolamdong.vn)

Tỉnh Lâm Đồng vừa ra quyết định xử phạt ông Vũ Hồng Cường và ông Đào Khắc Quý trong vụ phá gần 4.000m2 rừng phòng hộ tại thành phố Đà Lạt.

Hai người phải nộp phạt 200 triệu đồng và phải trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã bị chặt hạ tại lô h, khoảnh 11, tiểu khu 158B, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng).

Cụ thể theo Quyết định số 1908/QĐ-XPVPHC ngày 21/7/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt ông Vũ Hồng Cường, sinh năm 1964, trú tại xã Tân Hội, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) về hành vi phá rừng trái pháp luật với diện tích 1.721m2 rừng phòng hộ.

Với hành vi trên, ông Cường bị xử phạt 87,5 triệu đồng, đồng thời phải nộp lại số tiền trên 2 triệu đồng là giá trị của 2,497m3 gỗ tròn tạp bị tiêu hủy trái pháp luật.

[Xác định nhóm đối tượng phá rừng phòng hộ ở Khu du lịch Tuyền Lâm]

Theo Quyết định số 1909/QĐ-XPVPHC ngày 21/7/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng đã xử phạt ông Đào Khắc Quý, sinh năm 1953, trú tại xã Đinh Trang Thượng, huyện Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) 112,5 triệu đồng.

Ông Quý đã tham gia phá 1.992m2 rừng phòng hộ cùng khu vực với ông Vũ Hồng Cường, tại tại lô h, khoảnh 11, tiểu khu 158B, xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt.

Ngoài ra, ông Quý còn bị tịch thu 2,242m3 gỗ tròn tạp do phá rừng; đồng thời phải nộp lại số tiền tương ứng với 0,935 m3gỗ tròn đã bị tiêu hủy.

Trong những năm gần đây, do quỹ đất tại thành phố Đà Lạt đã cạn kiệt và đất tăng giá quá cao do nhiều người từ các tỉnh thành trong cả nước và ở tỉnh Lâm Đồng đã đổ xô vào đầu tư đất ở, đất sản xuất.

Hiện trạng này đã khiến cho nhiều người dân tại địa phương đã tổ chức phá rừng chiếm đất để mua bán với số tiền nhiều tỷ đồng/ha, bất chấp việc bị xử phạt vì vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, việc xử lý của cơ quan chức năng chưa quyết liệt, khiến tình trạng phá rừng, đầu độc cây rừng để chiếm đất vẫn tiếp diễn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục