Phần lớn cử tri Tây Ban Nha ủng hộ cuộc tổng tuyển cử sớm

Kết quả một cuộc thăm dò công bố ngày 13/11 cho thấy 55% số người được hỏi đều mong muốn một cuộc bầu cử diễn ra trước năm 2020, thời điểm chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy hết nhiệm kỳ.
Phần lớn cử tri Tây Ban Nha ủng hộ cuộc tổng tuyển cử sớm ảnh 1Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh Tây Ban Nha đang vướng vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ, đa số cử tri nước này đều cho rằng nên tổ chức một cuộc bầu cử sớm.

Kết quả một cuộc thăm dò công bố ngày 13/11 cho thấy 55% số người được hỏi đều mong muốn một cuộc bầu cử diễn ra trước năm 2020, thời điểm chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy hết nhiệm kỳ. Tỷ lệ ủng hộ ý kiến này đã tăng 6% so với kết quả cuộc thăm dò cách đây 1 tháng. Cuộc thăm dò do hãng Metroscopia thực hiện cho tờ báo El Pais trong thời gian từ ngày 6 - 8/11.

Theo các cuộc thăm dò, tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Nhân dân (PP) của Thủ tướng Rajoy đã giảm từ mức 26,9% hồi tháng 7 xuống còn 26,1%. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ của đảng Ciudadanos (Công dân), ủng hộ Tây Ban Nha thống nhất, đã tăng mạnh lên 22,7%, đứng thứ 2 ngang bằng với đảng Xã hội. Cuộc thăm dò phản ánh kết quả một cuộc điều tra chính thức hồi đầu tháng 10 cho thấy sự ủng hộ đối với đảng Ciudadanos, chủ trương bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ và đoàn kết của Tây Ban Nha, đã tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng Catalonia. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ đối với đảng Podemos theo đường lối cánh tả cũng giảm tới 4% xuống còn 14,7%.

Khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha bùng phát kể từ khi Catalonia tiến hành cuộc trưng cầu ý dân trái phép đòi độc lập ngày 1/10 vừa qua. Với sự nhất trí của Quốc hội Tây Ban Nha, Chính phủ của Thủ tướng Rajoy đã áp dụng Điều 155 của Hiến pháp, theo đó đình chỉ quy chế tự trị của vùng Catalonia, giải tán cơ quan lập pháp và chính quyền vùng, đồng thời tuyên bố tổ chức cuộc bầu cử địa phương mới vào ngày 21/12. Hồi đầu tháng này, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha cũng đã bác bỏ tuyên bố đơn phương đòi độc lập của Hội đồng lập pháp vùng Catalonia. Chính phủ đã bắt giữ nhiều quan chức thuộc chính quyền bị phế truất để đưa ra tòa án xét xử. Tuy nhiên, cựu Thủ hiến vùng Catalonia, ông Carles Puigdemont, và 4 cựu quan chức chính quyền Catalunya hiện đang ở Bỉ và Tây Ban Nha đã phát lệnh truy nã toàn châu Âu đối với những đối tượng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục