Phát triển hệ thống đường cao tốc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế

Sáng 9/6, các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiều nội dung về triển khai hệ thống đường cao tốc, điểm kết nối các tuyến giao thông với địa phương.
Phát triển hệ thống đường cao tốc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế ảnh 1Một dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2021 được đưa vào vận hành và khai thác. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thực hiện Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, sáng 9/6, Quốc hội tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề cuối cùng thuộc lĩnh vực giao thông vận tải.

Các đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiều nội dung về triển khai hệ thống đường cao tốc, điểm kết nối các tuyến giao thông với địa phương, việc xây dựng quỹ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông.

Thiếu điểm kết nối các tuyến giao thông với địa phương

Đại biểu Lê Thanh Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu chất vấn trong thời gian vừa qua, có nhiều tuyến giao thông, đường cao tốc được đưa vào khai thác, tuy nhiên, một số tuyến không có hiệu quả, không có người đi nhưng ngược lại có một số tuyến quá tải, dẫn đến ùn ứ, không có lối thoát. Điều này phải chăng là do thiếu điểm kết nối, tắc nghẽn, nhất là những vùng có các tuyến đường cao tốc đi qua, người dân khó tham gia giao thông.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng về vấn đề kết nối, khi triển khai dự án giao thông, nếu địa phương chưa có quy hoạch đường giao thông hoặc chưa có đường giao thông thì về nguyên tắc không thể bố trí nút.

[Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư dự án giai đoạn 2021-2025]

Do đó, với nhiều dự án, đặc biệt là dự án mới, hầu như chỉ kết nối vào đường hiện hữu. Trách nhiệm của địa phương về vấn đề này là phải rà soát lại quy hoạch giao thông xung quanh đường cao tốc để kết nối đường giao thông vào các trung tâm huyện, trung tâm xã, trung tâm kinh tế, khu công nghiệp.

"Khi các anh đã có quy hoạch của địa phương thì chúng tôi sẽ phối hợp để nghiên cứu, triển khai các nút giao, chứ chưa có quy hoạch địa phương thì làm sao biết để chỗ nào là nút giao," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nêu ý kiến.

Vị "Tư lệnh" ngành Giao thông vận tải cho biết trong cuộc họp Trung ương, Bộ Giao thông vận tải đã đề nghị các địa phương khẩn trương điều chỉnh quy hoạch giao thông, kết nối với đường cao tốc, các tuyến đường trọng điểm quốc gia. Qua đó, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành để bổ sung triển khai các nút giao, từ đó khai thác có hiệu quả đường cao tốc cũng như hệ thống đường địa phương và đáp ứng được yêu cầu phát triển của địa phương.

Giải quyết bất cập trong phát triển hệ thống đường cao tốc

Nêu câu hỏi chất vấn liên quan đến tiến độ triển khai dự án đường cao tốc, đại biểu Mai Văn Hải (Thanh Hóa) cho biết giai đoạn 2021-2025, dự kiến triển khai trên 2.000 km đường cao tốc. Đây là vấn đề rất lớn, dẫn đến áp lực về vốn, giải phóng mặt bằng, tái định cư, vật liệu thi công… Bộ Giao thông vận tải có những giải pháp nào để giải quyết những khó khăn phát sinh trong thời gian tới nhằm đảm bảo thực hiện cho được mục tiêu xây dựng đường cao tốc giai đoạn 2021-2025.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trong 2.000km giai đoạn này có 1.200 km đã hoàn thành, đang triển khai 800km.

Như vậy, theo Bộ trưởng, tính đến hết nhiệm kỳ, cả hoàn thành và đang triển khai, số km cao tốc đạt được là khoảng 4.000km.

Bộ trưởng cũng thừa nhận có áp lực khá lớn, nhưng không lo thiếu vốn do theo Luật Đầu tư công, phải cân đối đủ vốn mới được phê duyệt đầu tư dự án.

Cho biết giải phóng mặt bằng cũng là thách thức, khi dự án giao thông đi qua nhiều địa phương, Bộ trưởng nêu ý kiến "tỉnh phải tập trung toàn lực để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cố gắng làm nhanh nhất để chúng ta có điều kiện thi công."

Về vật liệu thi công xây dựng, Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các bộ, ngành tìm cách tháo gỡ khó khăn để đảm bảo nguồn vật liệu cho các dự án đường cao tốc.

Khẳng định kế hoạch triển khai 2.000km cao tốc là rất lớn, khó khăn không ít, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tin tưởng với kinh nghiệm của ngành, cũng như sự tham mưu của các bộ, ngành cho Chính phủ, ngành Giao thông vận tải sẽ cố gắng hoàn thành đúng tiến độ.

Cùng nêu chất vấn có nội dung liên quan đến triển khai dự án đường cao tốc, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng các tuyến cao tốc phân bổ không đồng đều. Đại biểu đặt câu hỏi nguyên nhân, trách nhiệm, hiệu quả, giải pháp, tiến độ khắc phục đến đâu.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Trung ương đã nhận thấy việc bất cập trong hệ thống cao tốc. Trong quá trình nghiên cứu để xây dựng quy hoạch, dù năm 2020 rất khó khăn nhưng ngành Giao thông vận tải đã đề xuất điều chỉnh quy hoạch, xây dựng một số phương án căn cứ vào các con đường mang tính chiến lược, đột phá.

Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đề án xây dựng 5.000km cao tốc và đưa ra một số tiêu chí.

Một trong số đó là làm sao cân đối cao tốc giữa các vùng miền, khai thác tiềm năng thế mạnh của các vùng đang phát triển tốt hiện nay và những vùng tiềm năng.

Do đó, vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh được quyết tâm đầu tư và gần như là đầu tư công để chắc chắn hoàn thành nhanh.

Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống cao tốc còn yếu kém nên việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế khó khăn.

Chính vì vậy, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu xây dựng cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng kết nối liên vùng, liên vận quốc tế, kết nối xuống cảng nhằm mang lại đột phá lớn cho đồng bằng sông Cửu Long.

Dự án Biên Hòa-Vũng Tàu là cứu cánh cho cả vùng Đông Nam Bộ, nếu không có cao tốc này, sắp tới hàng hóa không xuống được Cái Mép-Thị Vải. Công suất của Cái Mép-Thị Vải rất lớn, kinh tế khu vực này rất tốt, nhưng quốc lộ 51 quá tải, không đủ điều kiện để đáp ứng.

"Có nhiều ý kiến làm dự án Biên Hòa-Vũng Tàu theo hình thức PPP nhưng chúng tôi e ngại làm theo cách thức này bị chậm, không hoàn thành tiến độ, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế chung nên phải dùng đầu tư công cho dự án này," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Phát triển hệ thống đường cao tốc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế ảnh 2Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn nhóm vấn đề về lĩnh vực giao thông vận tải. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Với Tây Nguyên, "Tư lệnh" ngành Giao thông vận tải cho biết, có dự án cao tốc Buôn Mê Thuột để kết nối toàn bộ các tỉnh thuộc Tây Nguyên với nhau và xuống biển. Khi xong con đường này, ở Buôn Mê Thuột cũng có thể hình thành các khu cận công nghiệp vì cự ly khoảng 117km chỉ như Hà Nội tới Hải Phòng, hoàn toàn có thể phát triển Tây Nguyên theo hướng công nghiệp.

Sắp tới, còn nhiều con đường như Hà Nội-Hòa Bình; Mộc Châu-Sơn La-Điện Biên, đường ven biển từ Hải Phòng-Quảng Ninh, từ Hải Phòng-Ninh Bình…

"Trong kế hoạch, Chính phủ đã nhìn thấy một số khu vực có tiềm năng lớn, cần có đường cao tốc đột phá để các nhà đầu tư đến. Những vùng đã phát triển tốt nhưng còn tắc nghẽn hạ tầng thì cần phải tập trung. Chính vì thế, Chính phủ đã trình Quốc hội và những người làm giao thông như chúng tôi rất mừng", Bộ trưởng Thể chia sẻ.

Nhấn mạnh đây là nhiệm kỳ mà Quốc hội ủng hộ rất lớn cho các dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải kỳ vọng, qua nhiệm kỳ này, sự mất cân đối giữa các vùng miền về đường cao tốc, hạ tầng sẽ được điều chỉnh, các trung tâm lớn sẽ được hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển.

Tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng giao thông

Trả lời đề xuất của đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) về việc xây dựng một quỹ phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết đây là nội dung Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, giao cho các bộ, ngành nghiên cứu.

Phát triển hệ thống đường cao tốc đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế ảnh 3Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Tiến Lộc chất vấn. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

"Chúng ta rất mong hình thành một quỹ trong đó có vốn của các nhà hảo tâm, có thể có cơ chế lãi suất để tạo điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng. Vấn đề này chúng tôi sẽ tiếp thu, nghiên cứu," ông Nguyễn Văn Thể nói.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Lộc về vấn đề khai thác, bảo trì các dự án giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng hiện nay, luật chưa quy định.

Theo Bộ trưởng, ở bất cứ hình thức nào nếu xây dựng xong rồi đấu thầu giao cho các cơ quan tư nhân hoặc các doanh nghiệp quản lý, cơ quan quản lý nhà nước giám sát sẽ tốt hơn; đặc biệt là hạn chế được nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn vốn, nguồn nhân lực trong quá trình duy tu, bảo trì.

Chậm tiến độ các dự án giao thông do đâu?

Vài năm gần đây, hàng loạt công trình giao thông quan trọng trong cả nước được khánh thành và khởi công, đặc biệt là trong hai năm tới đây sẽ có nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia được tiếp tục khởi công.

Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các công trình vừa qua đều không hoàn thành đúng tiến độ đã công bố.

Bộ Giao thông vận tải đã rút kinh nghiệm gì về vấn đề chậm tiến độ của các công trình vừa qua? Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới để các công trình được thực hiện đúng theo tiến độ kế hoạch. Đây là chất vấn của đại biểu Đào Chí Nghĩa (Cần Thơ) đối với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết vấn đề chậm tiến độ có nhiều lý do, trong đó lý do lớn là nguồn vốn bố trí không đủ. Tuy nhiên, từ năm 2016, theo Luật Đầu tư công, tất cả các dự án đều được bố trí đủ tiền. "Khi đủ tiền thì chúng ta không lo về vốn nữa, do đó đã giải quyết được một phần," ông nói.

Thứ hai là về giải phóng mặt bằng, một lần nữa, Trưởng ngành Giao thông vận tải bày tỏ mong muốn các địa phương phải tập trung giải phóng để tiến độ các dự án được đẩy nhanh.

Nêu thêm một số nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cũng nêu những khó khăn về địa hình, địa chất, vùng sâu, vùng xa khi thực hiện dự án. Tiếp đến là yếu kém của Ban Quản lý dự án và nhà thầu.

"Vừa qua, chúng tôi thực hiện rất nghiêm túc, đã điều chỉnh một số lãnh đạo ban qua các công việc khác, thậm chí là giám đốc ban xuống làm phó. Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 1 đã cắt thầu rất nhiều ở Bình Thuận," ông Nguyễn Văn Thể thông tin và cho biết nguyên nhân đã được nhận diện nên sắp tới sẽ cố gắng điều hành tốt hơn để hạn chế tối đa vấn đề chậm tiến độ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục