Phó Thủ tướng: Cho vay kịp thời, đúng đối tượng, tránh sai, trục lợi

Phó Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Chính sách xã hội phải triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh sơ suất, trục lợi chính sách.
Phó Thủ tướng: Cho vay kịp thời, đúng đối tượng, tránh sai, trục lợi ảnh 1Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến triển khai các chính sách tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ ngày 18/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời, đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh sơ suất, trục lợi chính sách.

Gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng

Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình đưa ra 5 nhóm giải pháp, với tổng kinh phí khoảng 347.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 46.000 tỷ đồng chi mua vaccine và trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19.

Khoản thứ hai trong gói hỗ trợ là giảm thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những hàng hóa, dịch vụ doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch. Đối với khoản chi này, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 vào ngày 11/1/2022, đến 29/1/2022 (chỉ sau 18 ngày) Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế.

Theo Phó Thủ tướng, việc sớm ban hành nghị định để triển khai ngay Nghị quyết của Quốc hội là do đã có sự chủ động chuẩn bị từ trước. Khoản hỗ trợ này được triển khai rất nhanh và có tác dụng rất lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã. Đặc biệt, trong bối cảnh lạm phát, giá cả tăng cao, việc giảm thuế VAT (thuế gián thu) có tác động rất lớn đến giá cả hàng hóa, qua đó giúp kiểm soát được chỉ số lạm phát bình quân của 4 tháng đầu năm 2022.

Khoản thứ ba là khoản tín dụng chính sách 38.400 tỷ đồng với 5 chương trình, được giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện. Hiện nay, Chính phủ đã xây dựng xong các quy định cả 5 chính sách này. Riêng việc triển khai Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030 (1 trong 5 chương trình tín dụng chính sách), đang chờ thông tư của Ủy ban Dân tộc và hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế ban hành văn bản, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng ngay đề án để huy động vốn trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội mà Chính phủ bảo lãnh.

Phó Thủ tướng cho biết việc huy động vốn trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách, vừa qua cũng được triển khai rất nhanh. Chỉ trong vòng 1 tháng (tháng 4/2022) đã huy động được 2.600 tỷ đồng để triển khai thực hiện 4 chương trình (cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; cho vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; cho vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19).

[Hơn 2.335 tỷ đồng vốn ưu đãi phục hồi kinh tế đã đến tay người dân]

Khoản thứ tư được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề cập đến là gói hỗ trợ đầu tư công, có tổng vốn 176.000 tỷ đồng. Trong khoản này, có 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã thông qua ngân hàng thương mại.

Phó Thủ tướng cho biết việc tổ chức thực hiện khoản 40.000 tỷ đồng này rất khó do thiếu quy định cụ thể. Vì vậy Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao. Sau 6 lần họp với các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo nghị định để trình Chính phủ xem xét sớm thông qua. Phó Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ động phối hợp cùng các bộ, ngành, triển khai ngay gói hỗ trợ này, đảm bảo chặt chẽ, đúng đối tượng thụ hưởng, đúng quy định của pháp luật.

Ngoài khoản 40.000 tỷ đồng, phần còn lại của đầu tư công là 136.000 tỷ đồng. Trong số này, trừ đi khoản 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội, còn 134.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc triển khai các dự án đầu tư công phải theo quy định rất chặt chẽ của Luật Đầu tư công. Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cơ quan đầu mối là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cơ bản đến nay đã có danh mục đầu tư.

Khoản thứ năm trong gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP là khoản hỗ trợ người lao động thuê nhà trọ. Phó Thủ tướng cho biết, nguồn tiền đã có, sau khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho phép sử dụng nguồn đầu tư công từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi (không phải là huy động trái phiếu Chính phủ), chúng ta sẽ triển khai ngay…

Tránh trục lợi chính sách

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh thời gian qua, được sự hỗ trợ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội rất quyết liệt, hiệu quả. Biểu dương sự nỗ lực của cả hệ thống, Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao Ngân hàng Chính sách xã hội đã vào cuộc rất chủ động, phối hợp với các bộ, ngành để triển khai Nghị quyết 11/NQ-CP hiệu quả.

Chính nhờ sự vào cuộc quyết liệt đó, tới nay, sau 3 tháng vừa huy động, bố trí vốn, vừa giải ngân, dù rất áp lực về mặt thời gian, nhưng đến ngày 18/5, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải ngân 4 chương trình với tổng số 2.319 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ việc làm, học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn mua máy tính và thiết bị học trực tuyến, cho vay mua nhà ở xã hội, hỗ trợ cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập…

“Đây là con số rất mừng, rất có nghĩa. Các đồng chí đã rất cố gắng, linh hoạt, sáng tạo mới có kết quả như vậy,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng: Cho vay kịp thời, đúng đối tượng, tránh sai, trục lợi ảnh 2Một trong 17 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách huyện Đà Bắc tại xã Giáp Đắt giúp cho việc tiếp cận nguồn vốn vay chính sách của bà con nhân dân trở nên dễ dàng và thuận tiện. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Nêu lên 6 nhiệm vụ trọng tâm các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan cần tập trung thực hiện để triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Dân tộc và Bộ Y tế sớm có hướng dẫn ưu đãi đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.

Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai chương trình phát hành trái phiếu Chính phủ hiệu quả. Các địa phương quan tâm ủy thác vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai các chương trình hỗ trợ người dân.

Phó Thủ tướng lưu ý Ngân hàng Chính sách xã hội phải triển khai cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi kịp thời đúng đối tượng, đảm bảo công khai, minh bạch, tránh sơ suất, trục lợi chính sách. Đồng thời, đề nghị cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội trong triển khai các chính sách an sinh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội đảm bảo việc thực thi chính sách đi vào cuộc sống, đến đúng đối tượng thụ hưởng. Các cơ quan truyền thông, chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng, đặc biệt là các chính sách cho vay ưu đãi đến các cấp, các ngành và nhân dân biết và thực hiện, giám sát.

Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các cơ quan, hoàn thiện văn bản hướng dẫn, huy động đủ nguồn lực để giải ngân kịp thời đến các đối tượng thụ hưởng.

Theo ông, chính quyền địa phương các cấp là cơ quan xác định nhu cầu và nhận diện đối tượng thụ hưởng. Qua tổng hợp, riêng chương trình về giải quyết việc làm nhu cầu là 41.300 tỷ đồng, trong khi nguồn lực mới có 10.000 tỷ đồng. Còn chương trình nhà ở xã hội mới có 9.927 tỷ đồng/15.000 tỷ đồng.

Ông Dương Quyết Thắng đề nghị các địa phương tiếp tục chỉ đạo rà soát, tổng hợp nhu cầu và nhận diện đối tượng để có đủ căn cứ cho Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân.

Nhấn mạnh đến việc thực hiện công khai, đảm bảo giám sát toàn dân, tránh trục lợi chính sách, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cơ quan giám sát như Mặt trận Tổ quốc, đại biểu Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội, cơ quan truyền thông; khẳng định, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ tiếp tục phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ,” quyết liệt tổ chức triển khai thành công gói an sinh này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục