Phó Thủ tướng: Rà soát, xử lý tổng thể bất cập BOT giao thông

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát tổng thể đồng bộ dự án BOT để công bố công khai cho người dân biết, lập lại trật tự các trạm thu phí.
Phó Thủ tướng: Rà soát, xử lý tổng thể bất cập BOT giao thông ảnh 1Tài xế trả tiền lẻ qua trạm BOT. (Ảnh: TTXVN)

Hàng loạt những tồn tại, bất cập cũng như thách thức của ngành giao thông trong năm vừa qua đã được Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chỉ ra đồng thời đưa ra những giải pháp tập trung xử lý tổng thể các vấn đề này một cách quyết liệt trong năm 2018.

Nhiều nơi thành... điểm nóng BOT

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra sáng nay (18/1), thừa nhận tình trạng tai nạn giao thông mặc dù đã được kiểm soát khá tốt so với cách đây 4-5 năm, tuy nhiên, Phó Thủ tướng đánh giá, tình trạng tai nạn giao thông vẫn rất nghiêm trọng, giải quyết bài toán này không chỉ tổ chức giao thông mà còn nhiều nhân tố như phát triển kết cấu hạ tầng ngày càng đồng bộ hơn trong đó yếu tố quan trọng là ý thức của người tham gia giao thông.

[Gần 8.300 người chết vì tai nạn giao thông trong năm 2017]

“Năm vừa qua, cả nước có hơn 8.000 người chết và 10.000 người bị thương, tức là mỗi năm tai nạn giao thông xóa sổ 1 xã. Trong khi thiên tai một vài chục người thiệt mạng chúng ta thấy rất đau đớn vậy mà tai nạn giao thông ngày nào cũng có. Đây là vấn đề lớn yêu cầu ngành giao thông tiếp tục nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông,” Phó Thủ tướng cho hay.

Cho rằng việc tổ chức đầu tư xây dựng và kiểm soát hoạt động dự án BOT giao thông thời gian qua còn nhiều bất cập gây bức xúc xã hội, theo Phó Thủ tướng, nhiều nơi thành... điểm nóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và trực tiếp đến nền kinh tế đất nước.

“Như vậy, tất cả người dân đều bị thiệt nếu kinh tế bị ảnh hưởng do vài trạm, do đó cần sớm được khắc phục tồn tại này,” Phó Thủ tướng lưu ý Bộ Giao thông Vận tải.

[Tân Bộ trưởng Giao thông: Không làm BOT, hạ tầng không thể phát triển]

Nhìn nhận sự mất cân đối giữa các loạt hình vận tải rất lớn nhưng chưa có giải pháp khắc phục, Phó Thủ tướng cho biết, đường bộ cao tốc phát triển rất chậm, thời gian qua nguồn lực đầu tư dồn vào Quốc lộ 1. Việc kết nối giữa các phương thức vận tải như đường sắt, đường bộ, hàng không còn thiếu đồng bộ, hiệu quả hoạt động logistics thấp, làm tăng chi phí đầu vào, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chỉ ra thách thức chính là do nhu cầu đầu tư lớn nhưng nguồn lực hạn chế, đặc biệt là nguồn lực của Nhà nước, Phó Thủ tướng đưa ra dẫn chứng như tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) dân số ít hơn ta nhưng lại có 3.000km đường cao tốc. Hay như tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) diện tích và GDP gần bằng Việt Nam nhưng đã có 4.000km đường cao tốc, tới năm 2020 có 8.000km, chưa kể thêm đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị.

Từ đó, Phó Thủ tướng cho rằng, để tăng năng lực cạnh tranh, Việt Nam phải làm đường cao tốc, không chỉ cho phát triển đất nước mà còn đảm bảo an toàn giao thông.

Xử lý tổng thế bất cập BOT

Bày tỏ tầm quan trọng của hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị là tiền đề, nhân tố để tạo môi trường đầu tư, huy động nguồn lực, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải rà soát tháo gỡ những rào cản, nhất là chính sách để huy dộn nguồn lực xã hội đầu tư cho hạ tầng như chính sách hợp tác công-tư (PPP); rà soát việc tái cơ cấu ngành trên cơ sở đó tập trung điều chỉnh, bổ sung quy hoạch liên quan đến giao thông như quy hoạch hàng không, đường bộ cao tốc, cảng biển, đường sắt, đường thủy nội địa...

Bộ Giao thông Vận tải rà soát lại dự án quan trọng đang dở dang hoặc chưa làm, phải làm trước để phát huy hiệu quả sớm để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân đối nguồn vốn hợp lý bổ sung, quan tâm đến khu vực trọng điểm, khu vực còn khó khăn.

Đối với những dự án trọng điểm quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu đường cao tốc nhánh phía Đông sớm hoàn thành cơ chế đặc thù để báo cáo Chính phủ ra Nghị quyết, hoàn thiện quá trình chuẩn bị đầu tư để thực hiện đầu tư, trong đó có yêu cầu tổ chức lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, không để xảy ra lựa chọn nhà thầu cam tính dẫn đến thất thoát, lãng phí, tham nhũng, giảm hiệu qủa đầu tư.

[Không chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư tuyến cao tốc Bắc-Nam]

Ngành giao thông phải hoàn thành báo cáo khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để năm 2021 triển khai, năm 2025 đưa vào hoạt động giai đoạn đầu; tập trung hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, ưu tiên đoạn Hà Nội-Vinh, Thành phố Hồ Chí Minh-Nha Trang để báo cáo Chính phủ, Quốc hội, chuẩn bị nguồn lực để có thể đầu tư trong giai đoạn 2021-2030...

Khẳng định tập trung xử lý bất cập trong dự án BOT giao thông là vấn đề lớn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục rà soát tổng thể đồng bộ dự án BOT (tổng vốn đầu tư, giá vé bảo đảm lợi ích người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, Nhà nước, vị trí trạm đặt BOT) để công bố công khai cho người dân biết, lập lại trật tự các trạm BOT; rà soát giá phí dịch vụ tại các cảng hàng không theo đúng quy định.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục