Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm 3 văn bản có quy định trái luật

Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và Bình Phước khẩn trương xử lý dứt điểm 3 văn bản có quy định trái pháp luật liên quan đến kinh doanh thuốc lá, bồi thường tái định cư...
Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm 3 văn bản có quy định trái luật ảnh 1Ảnh minh họa.

Tại văn bản 3590/VPCP-PL, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh Bình Định, Bình Phước khẩn trương xử lý dứt điểm 3 văn bản có quy định trái pháp luật.

Xét báo cáo của Bộ Tư pháp về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đồng ý với đề xuất, kiến nghị của Bộ Tư pháp tại báo cáo. Bộ Tư pháp gửi các Bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương báo cáo nêu trên để triển khai thực hiện.

Bộ Công Thương và Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định và Bình Phước khẩn trương xử lý dứt điểm 3 văn bản có quy định trái pháp luật (Thông tư số 53/2020/TT-BCT ngày 31/12/2020 của Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 57/2018/TT-BCT ngày 26/12/2018 quy định chi tiết một số điều của các Nghị định liên quan đến kinh doanh thuốc lá; Quyết định số 23/2019/QĐ-UBND ngày 4/6/2019 ban hành quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định; Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 12/01/2018 ban hành Quy định đơn giá bồi thường, hỗ trợ về nhà, vật kiến trúc, cây trồng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Phước) và gửi kết quả đến Bộ Tư pháp trước ngày 30/6/2022 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

[Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm các văn bản sai sót, trái luật]

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động, kịp thời xử lý các quy định trái pháp luật theo kết luận kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền, bảo đảm đúng pháp luật và tiến độ theo quy định.

Bộ Tư pháp tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý và xử lý dứt điểm các văn bản trái pháp luật, các kiến nghị, phản ánh về các mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với thực tiễn trong hệ thống pháp luật; tổng hợp kết quả xử lý, báo cáo theo quy định.

Rà soát 31.703 văn bản quy phạm pháp luật

Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, trong năm 2021, trên cả nước, tổng số 32.230 văn bản quy phạm pháp luật phải được rà soát và tổng số 31.703 văn bản đã được rà soát.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và sự hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc của Bộ Tư pháp, mặc dù gặp nhiều khó khăn, trở ngại do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, công tác kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của cả nước vẫn tiếp tục được tăng cường và nâng cao về chất lượng, hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Đa số cơ quan cấp bộ và địa phương đã quan tâm bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, rà soát văn bản theo quy định; chú trọng công tác kiểm tra, rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn để kịp thời phát hiện, tự xử lý và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không còn phù hợp, qua đó góp phần tích cực bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi của hệ thống pháp luật, tạo cơ sở nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thi hành pháp luật.

Trong công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, số lượng văn bản có quy định trái pháp luật sau khi được tự phát hiện hoặc do cơ quan có thẩm quyền kiểm tra phát hiện, kết luận đã được cơ quan ban hành có phương án xử lý tăng so với năm 2020, qua đó hạn chế, ngăn ngừa được tác động tiêu cực đến xã hội, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, kỷ cương của các cơ quan cấp bộ, chính quyền địa phương trong xây dựng, thực thi pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục