Phối hợp hiệu quả trong chống buôn lậu, gian lận thương mại

Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu không được tiếp tay, bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật; có biện pháp quản lý nghiêm cấp dưới, tránh tuyệt đối những hoạt động liên quan đến lợi ích.
Phối hợp hiệu quả trong chống buôn lậu, gian lận thương mại ảnh 1Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 11/5, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã chủ trì Hội nghị giao ban công tác quý 1 và tổng kết Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia dự và nêu nhiều ý kiến quan trọng trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Diễn biến phức tạp nhưng không phát sinh "điểm nóng"

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính-Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, trong quý 1/2023, tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát; nền kinh tế dần phục hồi, phát triển; hoạt động xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, quá cảnh... qua các cửa khẩu hoạt động bình thường trở lại.

Nguồn cung lương thực, thực phẩm, rượu, bia, đường cát, mỹ phẩm, quần áo, hàng gia dụng, hàng thiết yếu… dồi dào, đa dạng về chủng loại và số lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm như: ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã...; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các mặt hàng đường cát, hàng đông lạnh, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa có nguồn gốc nước ngoài... qua một số tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, vùng biển, địa bàn nội địa trọng điểm có diễn biến phức tạp nhưng không phát sinh "điểm nóng."

Trên biên giới đất liền, tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc có xu hướng tăng các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép pháo nổ, sản phẩm động vật, gia cầm, bánh kẹo, hàng gia dụng... qua các cửa khẩu trọng điểm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tại tuyến biên giới Việt Nam-Lào nổi lên hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá, động vật hoang dã, buôn lậu, vận chuyển trái phép đường cát, rượu, bia, mỹ phẩm, gia súc, hàng gia dụng...

Tại tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, nổi lên hoạt động mua bán, vận chuyển hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá; buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, đường cát, thực phẩm, thuốc tân dược, thực phẩm chức năng.

Trên tuyến biển, cảng biển, nổi lên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, động vật hoang dã, hàng điện tử đã qua sử dụng, xăng dầu, phế liệu, dược phẩm, thực phẩm chức năng..., chủ yếu trên các cảng biển Hải Phòng, Bà Rịa-Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng biển Đông Bắc, Đông Nam và Tây Nam.

Tuyến hàng không và bưu chính quốc tế, nổi lên hoạt động lợi dụng sự thông thoáng về chế độ, chính sách, phương thức chuyển phát nhanh, dịch vụ ký gửi hàng hóa, hành lý..., các đối tượng trong và ngoài nước cấu kết thành các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng cấm như ma túy tổng hợp, thuốc lá, sản phẩm động vật hoang dã và một số hàng hóa có giá trị cao.

Địa bàn nội địa nổi lên hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về nhãn; kinh doanh hàng hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh hàng nhập lậu, hàng không hóa đơn, chứng từ; làm giả bánh, kẹo, bột ngọt, rượu, xăng dầu, thuốc tân dược, mỹ phẩm, một số hàng hóa tiêu dùng... phục vụ dịp Tết Quý Mão 2023.

Phối hợp hiệu quả trong chống buôn lậu, gian lận thương mại ảnh 2Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Gia Lai tổ chức tiêu hủy hơn 100.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu. (Ảnh: TTXVN phát)

Thông qua hoạt động xuất nhập khẩu, các đối tượng lợi dụng không khai báo, khai hải quan không đúng với hàng hóa thực tế, tuyến đường của lô hàng; nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn; để buôn lậu, gian lận thương mại.

Các đối tượng gia cố hầm chứa, khoang chứa bên trong các phương tiện vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, cất giấu hàng lậu vào hàng hóa nhập khẩu chính ngạch để lọt qua sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Lợi dụng thời tiết, địa hình trên các tuyến biên giới, vùng biển, đường mòn, lối mở... , đối tượng thuê người dân vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, sử dụng trang thiết bị hiện đại, trang bị vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng khi bị bắt giữ.

Trong thị trường nội địa, các đối tượng mua bán, kinh doanh lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, núp bóng các trang mạng xã hội để trà trộn hàng giả, hàng lậu, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng...; lợi dụng hoạt động của doanh nghiệp, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn; lợi dụng các cửa hàng, kiốt, hộ kinh doanh, chợ truyền thống để trà trộn, bày bán công khai hàng thật, hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng.

Xuất hiện thủ đoạn mới

Trước tình hình trên, công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành đối với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đối với các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã chủ động phối hợp các bộ, ngành, lực lượng chức năng tổ chức nắm tình hình các địa bàn trọng điểm; rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Trong quý 1/2023, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 28.028 vụ việc vi phạm (giảm 11,24% so với cùng kỳ năm 2022); khởi tố hình sự 278 vụ/679 đối tượng.

Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã làm tốt vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia; tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai, kiêm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ chức năng trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; chỉ đạo các lực lượng Hải quan, Thuế tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

[Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia xử lý nhiều vụ việc qua đường dây nóng]

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị, địa phương đã nêu một số đề xuất, kiến nghị về các biện pháp phát hiện, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới… phù hợp với đặc thù từng đơn vị, địa phương.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết các đối tượng buôn bán hàng cấm lợi dụng phương thức tạm nhập tái xuất với những thủ đoạn rất phức tạp. Phương tiện ô tô vẫn đi vào một số đường mòn, lối mở.

Hiện có đến 6.000 container có dấu hiệu vi phạm, quá hạn lưu trữ. Một lượng lớn container máy móc đã qua sử dụng như máy đào, máy xúc đang tồn kho do vướng mắc ở khâu đăng kiểm với lý do không có tài liệu kỹ thuật. Tổng cục Hải quan đang phân loại và yêu cầu chủ doanh nghiệp, hãng tàu có hướng xử lý.

Bên cạnh đó, xuất hiện những thủ đoạn mới trong vấn đề chuyển ngoại tệ qua biên giới thông qua các ngân hàng thương mại bằng việc lợi dụng hồ sơ hải quan giả về nội dung, số lượng, không đủ điều kiện mua ngoại tệ.

Đại diện Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu cho biết tình hình chuyển ngoại tệ trái phép ra nước ngoài còn rất phức tạp.

Một số đường dây lớn được phát hiện, bóc tách nhưng lại "mọc" thêm những đường dây khác với thủ đoạn tinh vi hơn như lợi dụng hợp đồng ngoại thương, chuyển tiền qua ngân hàng… gây "chảy máu ngoại tệ;" cần rà soát lại các quy trình, trách nhiệm của các đơn vị.

Phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, đánh giá cao thành tích các đơn vị đạt được trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thời gian qua, đặc biệt là trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Đồng tình với báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính, qua phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng đánh giá tình hình chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có những vướng mắc mang tính đặc thù.

Phối hợp hiệu quả trong chống buôn lậu, gian lận thương mại ảnh 3Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đó là lợi ích trước mắt lớn, là nguyên nhân thôi thúc cán bộ thực thi có hành vi vi phạm pháp luật. Người tiêu dùng tìm đến những mặt hàng giá rẻ, giá thấp, vô tình tiếp tay cho những hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả…

Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước còn chưa đáp ứng được nhu cầu và trước sự gia tăng phức tạp cũng như khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Điều này đòi hỏi các đơn vị, địa phương cần nỗ lực, triển khai công việc tích cực, hiệu quả hơn nữa.

Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu theo chức trách, nhiệm vụ được giao tuyệt đối không được tiếp tay, bao che cho những hành vi vi phạm pháp luật; có biện pháp quản lý nghiêm cấp dưới, tránh tuyệt đối những hoạt động liên quan đến lợi ích, cám dỗ vật chất.

Các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ cần tiếp tục trau dồi nghiệp vụ để phù hợp xu thế hiện nay; đồng thời có sự phối hợp hiệu quả hơn giữa các lực lượng.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông được triển khai tốt với các bản tin, phóng sự điều tra hấp dẫn, cần tiếp tục đẩy mạnh nội dung này để mỗi người dân đều trở thành những người tiêu dùng thông minh.

Về quy định trách nhiệm đối với từng đơn vị, địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng còn nhiều quy định chồng chéo giữa các lực lượng chức năng.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trong vòng 10 ngày (tính từ 11/5), các đơn vị, địa phương cần rà soát lại các văn bản pháp luật, nêu đề xuất kiến nghị cụ thể, gửi lại cho Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia để tổng hợp và báo cáo Chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục