''Phong trào thi đua yêu nước ngành công thương có sức lan tỏa lớn''

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá Bộ Công Thương đã cùng các Bộ ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và biện pháp điều hành của Chính phủ.
''Phong trào thi đua yêu nước ngành công thương có sức lan tỏa lớn'' ảnh 1Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành công thương. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Phong trào thi đua yêu nước với sự tham gia đông đảo của mọi tầng lớp lao động toàn ngành Công Thương đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình của tập thể, cá nhân trong lao động, sản xuất.

Đã có nhiều đề tài, sáng kiến, giải pháp hữu ích làm lợi cho ngành, cho Nhà nước và xã hội; nhiều mô hình, giải pháp được nhân rộng, có sức lan toả trong cả nước.

Đây là điểm nhấn nổi bật được Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá và ghi nhận tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Công Thương lần thứ III, diễn ra sáng 29/9, tại Hà Nội.

Công nghiệp giữ vững trụ cột của nền kinh tế

Báo cáo tại Đại hội cho thấy, giai đoạn 2016-2020 là giai đoạn đánh dấu sự tham gia ngày càng sâu rộng của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế với các Hiệp định thương mại tư do thế hệ mới được ký kết như Hiệp định EVFTA và Hiệp định CTTPP góp phần thúc đẩy hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.

[Kích cầu nội địa thúc đẩy thị trường trong nước phát triển]

Đặc biệt, sự xuất hiện của dịch bệnh COVID-19 đã gây ra những tác động to lớn đối với nền kinh tế toàn cầu và trong nước, song dưới sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, cùng với tình thần lao động thi đua của tập thể người lao động trong toàn ngành, ngành công thương đã cơ bản duy trì được sự phát triển ổn định.

Kết quả nổi bật và ấn tượng nhất chính là lĩnh vực công nghiệp và thương mại đều phát huy vai trò trụ cột của nền kinh tế.

Cụ thể, tăng trưởng sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 duy trì với tốc độ cao, bình quân trên 8%/năm. Sự phát triển của các ngành điện, than, dầu khí đều có những đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, sau gần 10 năm thực hiện Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh, ngành điện Việt Nam đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong các lĩnh vực, cơ bản đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Giai đoạn từ 2011 đến 2019, tốc độ tăng trưởng phụ tải điện của cả nước luôn duy trì ở mức cao, trung bình là 10,5%/năm. Tính đến hết năm 2019, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 239 tỷ kWh tăng 2,35 lần so với năm 2010 (101,4 tỷ kWh).

Sản lượng điện thương phẩm toàn quốc năm 2019 đạt 209,77 tỷ kWh, tăng 2,46 lần so với năm 2010 (85,4 tỷ kWh), tương ứng tăng trưởng điện thương phẩm bình quân cả giai đoạn 2011-2019 là 10,5%/năm (giai đoạn 2011-2015 tăng 10,97%/năm và giai đoạn 2016-2019 tăng 9,49%/năm).

“Trong thời gian tới, với các giải pháp được triển khai đồng bộ cùng với quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cung cấp điện sẽ được đảm bảo, chất lượng cao hơn, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái,” ông Hoàng Tiến Dũng nói.

Bên cạnh đó, cơ cấu sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đã có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tính bình quân giai đoạn 2016 - 2020, ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng hơn 30% GDP và cũng là lĩnh vực có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước.

''Phong trào thi đua yêu nước ngành công thương có sức lan tỏa lớn'' ảnh 2Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Gia tăng qui mô xuất khẩu 

Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn vừa qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, phản ánh năng lực sản xuất trong nước tăng trưởng cao, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tạo điều kiện thuận lợi và tận dụng tốt cơ hội mà các FTAs mang lại (đạt tốc độ tăng trường bình quân trên 10,5%/năm).

Thông tin thêm theo ông Phan Văn Chính, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chính thức vượt mốc 500 tỷ USD trong tháng 12/2019.

Cùng với đó, xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh về quy mô, từ 162 tỷ USD năm 2015 lên 264,27 tỷ USD năm 2019. Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2015-2019 đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Đáng chú ý, theo thống kê của WTO, năm 2019 Việt Nam vươn lên thứ 23 thế giới về quy mô xuất khẩu, tăng 4 bậc so với vị trí thứ 27 năm 2015. Kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người năm 2019 đạt 2.740 USD/người, tăng 55,2% so với năm 2015 (1.766 USD).

"Theo Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa, mục tiêu cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm từ 1,77 tỷ USD năm 2016, 2,11 tỷ USD năm 2017, 6,83 tỷ USD năm 2018, 10,87 tỷ USD năm 2019. 8 tháng đầu năm 2020, tiếp tục ghi nhận xuất siêu 13,5 tỷ USD,” ông Phan Văn Chính nói.

Mặc dù vậy, đại dịch COVID-19 lan rộng ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, cũng như tác động trực tiếp tới nhiều ngành kinh tế và doanh nghiệp trong nước những tháng đầu năm đòi hỏi phải có những chiến lược và quyết sách phù hợp.

“Chúng ta đang ở trong một giai đoạn lịch sử đầy thử thách, khó khăn nhưng cũng nhiều thời cơ và thuận lợi mới, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Trong bối cảnh đó, Ngành công thương càng phải đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tập thể, cá nhân người lao động ngành công thương đã đạt được trong 5 năm qua đã góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường trong nước và gia tăng qui mô xuất khẩu.

Tiêu biểu trong lĩnh vực ngoại thương, Bộ Công Thương đã cùng các Bộ ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và biện pháp điều hành của Chính phủ. Qua đó đã thiết lập và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và đối tác thương mại theo phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại.

Bên cạnh đó, thị trường trong nước được tập trung thúc đẩy, là động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Hàng hóa ngày càng phong phú, chất lượng hàng hóa và phương thức phục vụ ngày càng được cải thiện.

Thương mại trong nước liên tục phát triển với tốc độ tăng cao bình quân 9,1%/năm; đặc biệt thương mại điện tử phát triển rất nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 27%/năm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của mọi tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, đồng thời đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép” - đẩy lùi dịch bệnh và không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng đề nghị phong trào thi đua yêu nước của ngành Công Thương cần phải xác định thể chế là khâu đột phá quan trọng của ngành.

Cụ thể là việc hoàn thiện hệ thống thể chế xử lý, ứng phó với các vấn đề về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và cạnh tranh, phòng vệ thương mại; tác động của những tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là những tác động của dịch COVID-19 với cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và sự phân bố lại các trung tâm sản xuất và sự chuyển luồng thương mại toàn cầu...

Cùng với đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục tập trung tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, hiện đại, hội nhập và phát triển bền vững.

Về công tác ngoại thương và hội nhập kinh tế quốc tế, lãnh đạo Chính phủ lưu ý Bộ Công Thương tập trung thực hiện đồng bộ và triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và cộng đồng Kinh tế ASEAN, đặc biệt là năng lực thực thi và hiện thực hóa các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ tập trung phát triển thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả khu vực thị trường gần 100 triệu dân, trong đó, cần đẩy mạnh hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thương mại và phát triển thương mại điện tử để khai thác có hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế từ thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...

“Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu, thực sự là hạt nhân trong các phong trào thi đua. Chú trọng đến việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc, nhằm cổ vũ, động viên phong trào, tạo hiệu quả thiết thực,” Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý thêm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục