'Phủ sóng' những kỹ thuật tim mạch cao ngay tại y tế địa phương

Trong giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện Tim Hà Nội đã triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh tại 16 bệnh viện vệ tinh trên toàn quốc.
Các bác sỹ Bệnh viện tim Hà Nội thực hiện một ca phẫu thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Các bác sỹ Bệnh viện tim Hà Nội thực hiện một ca phẫu thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Những năm qua, các bác sỹ của Bệnh viện tim Hà Nội qua nhiều hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật về tim mạch cho các bệnh viện vệ tinh tuyến dưới. Qua đó giúp cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị nội khoa, thực hiện thường quy siêu âm tim, triển khai kỹ thuật can thiệp tim mạch.

Do vậy, các bệnh viện tuyến dưới đã vững chuyên môn trong điều trị tim mạch để  “giữ chân” được bệnh nhân tim mạch không phải chuyển lên tuyến trên.

Phó giáo sư Nguyễn Sinh Hiền - Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội đã cho biết như vậy tại Hội nghị “Công tác chỉ đạo tuyến, Đánh giá cuối kỳ Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch thực hiện Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025 và Hội nghị Khoa học chuyên ngành Tim mạch 2020, diễn ra tại Hà Nội.

“Giữ chân” bệnh nhân tim mạch ở tuyến dưới

Theo phó giáo sư Hiền, trong nhiều năm qua Bệnh viện Tim Hà Nội có số ca phẫu thuật tim mở cao nhất cả nước. Các bác sỹ phẫu thuật hầu hết các bệnh lý về tim mạch. Năm 2017 là: 1.969 ca phẫu thuật, năm 2018: 1.923, năm 2019: 1.918 ca, từ đầu năm đến nay: 1.825 ca phẫu thuật.

[Bệnh viện 108 thực hiện thành công 5 ca ghép gan trong 1 tuần]

Các bác sỹ của bệnh viện phẫu thuật cho trẻ từ 1 ngày tuổi đến cụ già 93 tuổi, trẻ có cân nặng từ 900 gram. Tỷ lệ tử vong chung qua nhiều năm thuộc hàng thấp trên thế giới.

Phát biểu tại hội nghị, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết trong những năm gần đây ngành y tế không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

'Phủ sóng' những kỹ thuật tim mạch cao ngay tại y tế địa phương ảnh 1Các đại biểu trình bày tại hội nghị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bệnh viện Tim Hà Nội được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện hạt nhân, bệnh viện tuyến cuối về chuyên ngành tim mạch để hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới (bệnh viện vệ tinh) nâng cao trình độ chuyên môn. Bệnh viện cũng được giao hướng dẫn các tuyến dưới thông qua đề án Khám, chữa bệnh từ xa.

Trong thời gian tới, phó giáo sư Khuê đề nghị bệnh viện tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới đồng thời tiếp tục thực hiện tiêu chí bệnh viện an toàn chống dịch COVID-19.

Trong giai đoạn 2016-2020, Bệnh viện Tim Hà Nội đã triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh tại 16 bệnh viện vệ tinh. Thông qua đó hình thành, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạnh ở miền Bắc, miền Trung; Nâng cao năng lực quản lý và điều trị bệnh Tim mạch qua đào tạo, chuyển giao kỹ thuật; Giảm thiểu tỷ lệ chuyển tuyến các bệnh lý Tim mạch từ 16 Bệnh viện vệ tinh lên tuyến trên.

Ngoài ra, nhiều hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật được triển khai như tổ chức các lớp đào tạo tại bệnh viện tim, tại các bệnh viện vệ tinh… Hàng chục lớp chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ bệnh viện vệ tinh theo từng gói kỹ thuật: Tim mạch cơ bản; cấp cứu tim mạch; điện tim; siêu âm tim; can thiệp tim mạch cơ bản; điều dưỡng cấp cứu tim mạch, điều dưỡng nội khoa tim mạch; phẫu thuật tim mạch cơ bản; gây mê trong phẫu thuật tim mạch…

Tổng số có 1.030 học viện được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật (có cấp chứng nhận). Có 63 lớp (875 học viên) được đào tạo về nội tim mạch, 22 lớp (78 học viên) về ngoại tim mạch, 17 lớp (75 học viên) được đào tạo về can thiệp tim mạch.

Phó giáo sư Nguyễn Sinh Hiền nói về những thành tựu trong điều trị tim mạch:

Thạc sỹ Nguyễn Tấn Phúc - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai - một trong những bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội cho hay nhờ tham gia đề án bệnh viện vệ tinh, chất lượng thăm khám, điều trị bệnh lý tim mạch tại bệnh viện đã nâng lên, các bác sỹ đã dần làm chủ nhiều kỹ thuật cao. Người dân được chăm sóc sức khỏe tim mạch tốt hơn ngay tại địa phương, tỷ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt.

Khắc phục tình trạng nằm “nhầm” giường

Thời gian qua, số lượng bệnh nhân đến với Bệnh viện Tim Hà Nội ngày càng tăng lên. Nếu như năm 2005, bệnh viện mới tiếp nhận 11.370 lượt bệnh nhân đến khám, thì đến năm 2020 đã tăng lên gần 355.000 lượt bệnh nhân (gấp 30 lần) và số người điều trị nội trú cũng tăng gấp 13 lần so với trước…

Phó giáo sư Hiền cho hay: “Qua việc triển khai mô hình bệnh viện vệ tinh và đề án khám chữa bệnh từ xa, bệnh viện sẽ tiếp tục khắc phục tình trạng nằm 'nhầm' giường như bệnh nhẹ nằm ở tuyến trên, còn bệnh nặng nằm ờ tuyến dưới với việc gắn kết chặt chẽ với các bệnh viện. Khi chuyển bệnh nhân nặng về tuyến dưới sẽ tóm tắt bệnh án, hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và người bệnh.”

Bệnh viện cũng sẽ tiếp tục đề án Telehealth để nâng cao trình độ chuyên môn trong điều trị tim mạch cho tuyến dưới. Qua đó giúp cho nhiều bệnh viện tuyến tỉnh nâng cao năng lực điều trị về tim mạch để “giữ chân” được bệnh nhân tim mạch không phải chuyển lên tuyến trên.

Theo phó giáo sư Hiền, đến nay tại nhiều tuyến tỉnh chưa thành lập khoa tim mạch để phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, vì vậy khả năng hỗ trợ của bệnh viện vẫn còn. Qua năm 2020, đề án bệnh viện vệ tinh sẽ kết thúc song Bệnh viện sẽ đề bạt để đề án tiếp tục kéo dài, tăng trình độ chuyên môn của tuyến dưới, nâng cao năng lực điều trị bệnh tim mạch…

Trong thời gian tới, bệnh viện Tim Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh từ xa; Tiếp tục thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến chuyên khoa đầu ngành Tim mạch tại Hà Nội, thực hiện luân phiên người hành nghề hỗ trợ tuyến dưới thuộc Hà Nội theo sự phân công...

'Phủ sóng' những kỹ thuật tim mạch cao ngay tại y tế địa phương ảnh 2

Tại Hội nghị các đại biểu đã được nghe các Báo cáo Đánh giá công tác chỉ đạo tuyến, đào tạo và nghiên cứu khoa học năm 2020, kết quả cuối kỳ thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh chuyên ngành tim mạch của Bệnh viện Tim Hà Nội giai đoạn 2016-2020, Kinh nghiệm triển khai hoạt động khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Tim Hà Nội.

Bên cạnh đó, hội nghị đã chia sẻ nhiều nội dung thu hút sự quan tâm của gần 300 đại biểu, các nhà khoa học, các y bác sĩ chuyên ngành tim mạch hàng đầu ở 205 đơn vị bao gồm: 16 bệnh viện vệ tinh; Các bệnh viện, trung tâm y tế ngoại tỉnh có quan hệ hợp tác; các bệnh viện, trung tâm y tế thuộc Hà Nội và một số địa phương, các đơn vị mạng lưới Khám chữa bệnh từ xa…

Các bài báo cáo được trình bày tại hội nghị với các chủ đề nổi bật trong chuyên ngành tim mạch hiện nay được trình bày tại các phiên trong hội nghị. Đó là các vấn đề về những quan điểm mới trong các kĩ thuật phẫu thuật tim mạch-Hiện đại và định hướng tương lai; các kỹ thuật Tim mạch can thiệp trong điều trị các bệnh tim mạch chuyển hóa…/.

Ngày 19/8/2004, Bệnh viện Tim Hà Nội được khánh thành và chính thức đi vào hoạt động. Sau gần 20 năm hoạt động và phát triển, Bệnh viện Tim Hà Nội đã xây dựng hệ thống tổ chức bộ máy hoàn chỉnh, quy mô 380 giường bệnh với 5 mũi nhọn chuyên môn: Phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch, tim mạch nội khoa, tim mạch nhi khoa và tim mạch chuyển hóa.

Đến nay, bệnh viện đã có 5 trung tâm, 37 khoa phòng, đơn nguyên với đội ngũ 687 cán bộ nhân viên cùng các chuyên gia hàng đầu về chuyên ngành tim mạch.

Đặc biệt, từ một bệnh viện chuyên khoa hạng I trực thuộc Sở Y tế Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội đã được Bộ Y tế công nhận là bệnh viện tuyến cuối về chuyên ngành Tim mạch.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục