Quảng Ninh tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nCoV

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, cho biết đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ nhiễm nCoV.
Quảng Ninh tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nCoV ảnh 1Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại buổi họp. (Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN)

Ngày 28/1, tại thành phố Hạ Long, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh họp khẩn trực tuyến với các huyện, thị, thành phố để bàn các giải pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.

Theo báo cáo từ Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh, tính đến ngày 28/1, tỉnh Quảng Ninh chưa phát hiện ca nghi ngờ nhiễm nCoV.

Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, các đơn vị y tế trên địa đã thực hiện giám sát 60 ca. Kết quả kiểm tra 60/60 ca đều dương tính với cúm mùa (loại trừ trường hợp nhiễm nCoV).

Từ ngày 1-21/1, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh thực hiện giám sát 10 mẫu bệnh phẩm nghi cúm và viêm phổi nặng nghi do virus, kết quả 6 mẫu dương tính với cúm A/H1N1.

Tỉnh không ghi nhận ca bệnh viêm phổi có tiền sử đi, đến ở từ vùng dịch (Vũ Hán, Trung Quốc); đã thực hiện khoanh vùng, xử lý, khống chế tối đa sự lây lan của dịch bệnh cúm A/H1N1 trên địa bàn.

Sở Y tế Quảng Ninh đang tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác ứng phó dịch tại các tuyến, đặc biệt là các cửa khẩu trong dịp Tết Nguyên đán để tăng cường công tác phòng, chống dịch qua biên giới xâm nhập vào Việt Nam.

Ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cho biết thời gian tới, Quảng Ninh có nguy cơ rất cao xuất hiện các ca mắc nCoV, do sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán sẽ đến tháng Thanh minh, thời gian nhiều người dân Trung Quốc sang Việt Nam để tảo mộ tại các huyện khu vực miền Đông và một số huyện thị thuộc Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, nếu dịch tiếp tục lan rộng ở Trung Quốc, một số người dân Trung Quốc sẽ sang Việt Nam du lịch dài hạn như một hoạt động tránh dịch. Do đó, các đơn vị cần thực hiện đầy đủ các chỉ đạo về công tác tăng cường giám sát dịch bệnh xâm nhập; có sẵn môi trường bảo quản bệnh phẩm; thực hành tốt kỹ thuật lấy mẫu, đóng gói, bảo quản, vận chuyển.

[Yêu cầu quản lý lao động Trung Quốc về quê ăn Tết trở lại Việt Nam]

Các cửa khẩu cần đẩy mạnh thực hiện đo thân nhiệt người nhập cảnh để phát hiện sớm ca bệnh; chuẩn bị sẵn phòng cách ly; có quy chế phối hợp giữa Trung tâm Kiểm dịch Y tế Quốc tế và các Trung tâm Y tế huyện, đơn vị liên ngành tại cửa khẩu; có sẵn trang phục phòng hộ cá nhân và hóa chất khử khuẩn.

Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy chia sẻ Quảng Ninh là tỉnh có đường biên giới dài với Trung Quốc, các hoạt động thông thương, du lịch qua các đường bộ, đường không, đường thủy trong dịp Tết vẫn diễn ra, do đó Quảng Ninh là tỉnh có nguy cơ cao xuất hiện các ca mắc nCoV.

Từ 24-27/1, đã có 7.153 khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam, đến sáng ngày 28/1, chưa có thông tin du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.

Sở sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát, tuyên truyền để đảm bảo hoạt động du lịch vẫn diễn ra bình thường.

Ông Lê Văn Ánh, Bí thư thành phố Móng Cái cho biết thành phố Móng Cái có đường biên giới trải dài, nằm sát với Trung Quốc, có Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Do đó, việc kiểm soát du khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam được tăng cường.

Quảng Ninh tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nCoV ảnh 2Quang cảnh buổi họp. (Ảnh: Bùi Đức Hiếu/TTXVN)

Đến sáng 28/1, chưa có đoàn khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.

Trong thời gian tới, các lực lượng, đơn vị liên ngành sẽ tăng cường giám sát, đo thân nhiệt, chuẩn bị các tình huống, các phương án phòng chống cụ thể.

Lực lượng Biên phòng Quảng Ninh cho biết tăng cường tuần tra, kiểm soát đường biên, mốc giới, đường mòn, lối mở; tăng cường kiểm soát việc nhập khẩu, buôn bán các loại động vật hoang dã; phối hợp với các lực lượng chức năng, tổ liên ngành tăng cường giám sát, kiểm soát tại các cửa khẩu.

Theo Sở Y tế Quảng Ninh, công tác phòng, chống dịch nCoV đã được chuẩn bị đầy đủ, duy trì hoạt động hệ thống xét nghiệm chẩn đoán cúm, viêm phổi nặng tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và sẵn sàng phương tiện để vận chuyển mẫu lên Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương; cung cấp đủ môi trường bảo quản bệnh phẩm cho 100% các đơn vị điều trị trên toàn tỉnh; duy trì đủ sinh phẩm để thực hiện xét nghiệm chẩn đoán các ca bệnh viêm phổi nặng.

Cơ quan chức năng chuẩn bị đầy đủ các vật tư; hóa chất, trang bị phòng chống dịch...; tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu đúng về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và biết cách phòng tránh dịch bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bí thư Huyện ủy Vân Đồn Tô Xuân Thao cho biết ngày 27/1, có 1 chuyến bay từ Thâm Quyến (Trung Quốc) hạ cánh tại Sân bay quốc tế Vân Đồn, tuy nhiên không có khách, sau đó máy bay này chở 70 khách từ Sân bay quốc tế Vân Đồn trở về Thâm Quyến (Trung Quốc).

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã tạm dừng tất cả các chuyến bay từ Thâm Quyến sang cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến hết tháng 2/2020.

Huyện cùng với cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã được trang bị 1 máy chiếu soi thân nhiệt, tuy nhiên cần trang bị 1 máy xách tay di động soi ngay từ cửa tàu bay để tránh vào phía trong ga.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết đến thời điểm này, tỉnh Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp nào nghi ngờ nhiễm nCoV. Điều này khẳng định tỉnh Quảng Ninh đã triển khai rất tốt và đồng bộ các biện pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh xác định tăng cường nhận diện trong việc phòng, chống nCoV, nhất là trong công tác tuyên truyền, tránh việc thông tin sai lệch, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch của lực lượng chức năng.

Tỉnh Quảng Ninh xác định rõ địa bàn trọng điểm có nguy cơ cao là thành phố Móng Cái, vì vậy cần phải nhận diện rõ và tập trung các biện pháp hạn chế việc xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, đặc biệt là các đoàn khách có số lượng lớn.

Trong trường hợp xảy ra dịch bệnh, Quảng Ninh phải chủ động về mọi nguồn lực để dập dịch; không chờ đợi Trung ương hỗ trợ.

Nhiệm vụ phòng, chống dịch nCoV phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, mỗi người dân, doanh nghiệp; lấy phòng ngừa là chính, không để bị động bất ngờ, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục