Quốc tế lo ngại việc Triều Tiên làm giàu uranium

Nhiều nước bày tỏ lo ngại sâu sắc sau khi Triều Tiên tuyên bố bước vào giai đoạn cuối của tiến trình thử nghiệm làm giàu uranium.
Nhiều nước trên thế giới bày tỏ lo ngại sâu sắc sau khi Triều Tiên ngày 4/9 tuyên bố đã bước vào giai đoạn cuối của tiến trình thử nghiệm làm giàu uranium và đang chế tạo thêm bom nguyên tử từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng.

Hãng tin Interfax của Nga dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này yêu cầu giấu tên, cho biết Nga coi tuyên bố trên của Bình Nhưỡng là "rất đáng báo động" và gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Theo quan chức trên, hành động trên của Triều Tiên đang tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, coi thường các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Liên quan đến tuyên bố của Triều Tiên, phát biểu từ Stockholm khi tham dự cuộc họp không chính thức các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) tại Thụy Điển, Ngoại trưởng Italy Franco Frattini cho biết các nước thành viên EU đều tỏ ra lo ngại trước thông báo của Triều Tiên bước vào giai đoạn cuối tiến trình thử nghiệm làm giàu uranium.

Ông Frattini cho rằng đây là một trong những khó khăn lớn đối với Italy trong giai đoạn đảm nhiệm chức Chủ tịch G-8 (nhóm các nền kinh tế phát triển nhất), luôn đặt vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân lên hàng đầu chương trình nghị sự của G-8.

Mặc dù tỏ ra lo ngại trước thông báo của Bình Nhưỡng về việc sản xuất bom nguyên tử, Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt và Ngoại trưởng Phần Lan Alexander Stubb khẳng định cần phải thẩm tra tuyên bố của Triều Tiên.

Cùng ngày, Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết các thanh sát viên Liên hợp quốc chưa từng được tiếp cận các cơ sở hạt nhân mà Triều Tiên tuyên bố đang làm giàu uranium.

Người phát ngôn IAEA Marc Vidricaire cho biết cơ quan này đã tiến hành kiểm chứng các hoạt động hạt nhân tại lò phản ứng Yongbyon. Tuy nhiên, tại địa điểm này, các thanh sát viên chỉ được phép tới 5 cơ sở không có bất kỳ hoạt động làm giàu uranium nào và các thanh sát viên chưa từng được tiếp cận các cơ sở khác.

Cuộc đàm phán 6 bên (gồm Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ) về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên đã đổ vỡ cuối năm ngoái. Triều Tiên đã thông báo việc nước này tiến hành các hoạt động hạt nhân sử dụng plutoni.

Sau khi Liên hợp quốc áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn hồi tháng 6 vừa qua do Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân ngày 25/5, Bình Nhưỡng tuyên bố bắt đầu chương trình làm giàu uranium và sẽ chiết xuất plutoni từ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng tại lò phản ứng hạt nhân Yongbyon./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục