Romania từ chối thu hồi sắc lệnh miễn truy tố quan chức tham nhũng

Chính phủ Romania tuyên bố kiên quyết triển khai các sắc lệnh miễn truy tố và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước.
Romania từ chối thu hồi sắc lệnh miễn truy tố quan chức tham nhũng ảnh 1Biểu tình phản đối sắc lệnh của Chính phủ tại thủ đô Bucharest ngày 2/2. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Bất chấp sức ép gia tăng từ nhiều phía, ngày 2/2, Chính phủ Romania tuyên bố kiên quyết triển khai các sắc lệnh miễn truy tố và trả tự do cho một loạt chính trị gia bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước.

Lập trường cứng rắn của Chính phủ Romania được thể hiện trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối sắc lệnh gây tranh cãi này đã bước sang ngày thứ ba, với sự tham gia của khoảng 250.000 người mỗi ngày tại hàng chục thành phố và thị trấn trên cả nước.

Theo cảnh sát chống bạo động Romania, riêng trong ngày 2/2 đã có khoảng 80.000 người tập trung trước tòa nhà chính phủ tại quảng trường lớn nhất của thủ đô Bucharest.

Ngày 2/2, Thủ tướng Romania Sorin Grindeanu​ khẳng định nội các mới thành lập chưa đầy một tháng của ông không có kế hoạch thu hồi sắc lệnh đã được thông qua.

Cùng ngày, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền tại Romania, ông Liviu Dragnea, tuyên bố "hoàn toàn ủng hộ" Thủ tướng Sorin Grindeanu "thực hiện quyền hành pháp và lập pháp được người dân giao phó."

Ông Liviu Dragnea chính là người lựa chọn ông Sorin Grindeanu cho cương vị lãnh đạo chính phủ sau khi bản thân ông Dragnea không đủ tư cách đảm nhiệm chức vụ này liên quan đến án phạt vì gian lận phiếu bầu trước đó.

Sắc lệnh được chính phủ của ông Sorin Grindeanu thông qua ngày 31/1 về việc miễn truy tố hình sự và không áp dụng án tù đối với các vụ việc tham nhũng có số tiền dưới 200.000 lei (khoảng 48.000 USD) sẽ giúp hàng chục chính trị gia Romania, trong đó có ông Liviu Dragnea, thoát tội sau khi bị cáo buộc lợi dụng chức vụ gây thất thoát tài sản nhà nước.

Theo phóng viên TTXVN tại Đông Âu, sắc lệnh này làm bùng phát những cuộc biểu tình lớn nhất tại Romania trong vòng gần 30 năm qua.

Những người phản đối cho rằng sắc lệnh sẽ đẩy lùi những tiến bộ Romania đã đạt được trong cam kết chống tham nhũng kể từ khi gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

Cả EU và đồng minh quan trọng ngoài khối của Romania là Mỹ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về sắc lệnh này.

Ở trong nước, ngày 2/2 Tổng thống Romania Klaus Iohannis đã nộp đơn kiện lên Tòa án Hiến pháp yêu cầu bãi bỏ sắc lệnh của chính phủ dự kiến sẽ có hiệu lực trong vòng 1 tuần sau khi được thông qua.

Tòa án Hiến pháp Romania cho phép các bên liên quan đệ trình quan điểm của mình từ nay đến ngày 7/2 và sẽ ra phán quyết cuối cùng về tính hợp pháp của sắc lệnh trong vòng 20 ngày sau đó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục