Sát hạch lái xe: Tự động hóa chấm điểm, ngăn can thiệp từ con người

Chất lượng sát hạch đã nâng cao rõ rệt khi số lượng câu hỏi lý thuyết tăng, phần thi thực hành lái xe bám sát các tình huống giao thông và ứng dụng công nghệ để hạn chế sự can thiệt từ con người.
Sát hạch lái xe: Tự động hóa chấm điểm, ngăn can thiệp từ con người ảnh 1Ghép xe ngang trong sa hình cũng là phần thi khó nhằn đối với học viên và là phần thi bám sát thực tế đỗ xe trong đô thị. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo đại diện Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và một số Trung tâm sát hạch lái xe, quy trình sát hạch lái xe ngày càng được cải tiến cho sát với tình huống tham gia giao thông đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giám sát tất cả các khâu nhằm hạn chế sự can thiệp từ con người.

Tỷ lệ đỗ sát hạch ôtô chỉ 55%

Là một trong những Trung tâm sát hạch lái xe lớn của Hà Nội, ông Nguyễn Đức Hải, Giám đốc Trung tâm sát hạch và cấp giấy phép lái xe ôtô Đức Thịnh cho biết việc thi lý thuyết lái xe hay sát hạch thực hành kỹ năng lái xe trong sa hình từ lâu đều được thực hiện bằng thiết bị chấm điểm tự động.

“Mỗi kỳ sát hạch tại Trung tâm có khoảng 200 học viên sẽ ngồi tập trung tại hội trường. Trung tâm đồng thời bố trí 5 màn hình kết nối với hệ thống camera để các học viên có thể theo dõi và giám sát các học viên khác đang trong quá trình sát hạch lý thuyết cũng như thực hành nhằm bảo đảm công khai, minh bạch,” ông Hải cho hay.

Đặc biệt, tại các khu vực như phòng thi lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình, khu vực trước khi sát hạch lái xe ngoài đường trường đều bố trí tủ đựng đồ cá nhân cho học viên. Ngay trước khi vào khu vực thi có nhân viên sử dụng máy dò thiết bị cầm tay rà soát từng học viên nhằm kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các trường hợp sử dụng điện thoại, đồng hồ thông minh và thiết bị nghe lén… Trên xe còn có camera để chụp ảnh ngẫu nhiên học viên để tránh trường hợp thi hộ.

[Quy trình thi sát hạch bằng lái xe ôtô được thực hiện ra sao?]

Thở phào nhẹ nhõm với số điểm 95/100 trong sát hạch thực hành lái xe, theo anh Vũ Đình Trường (thôn Tiên Hùng, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội), ngay từ khi có ý định học bằng lái xe, bản thân đã rất nghiêm túc, chăm chỉ ôn luyện các kiến thức Luật giao thông đường bộ cũng như thực hành, rèn luyện các kỹ năng lái xe.

“Ngoài việc học lý thuyết trên lớp, trên mạng internet cũng có hướng dẫn các bộ đề cho thí sinh tự ôn luyện, các câu hỏi trong đó bám sát những tình huống giao thông thường ngày hay hệ thống các biển báo, quy tắc tham giao giao thông. Với phần thực hành kỹ năng lái xe, thí sinh chỉ cần tự tin và lắng nghe thầy giao dạy, thuộc các bài trong sa hình thì sẽ dễ dàng đỗ,” anh Trường chia sẻ.

Tuy nhiên, anh cũng cho rằng, đa phần các thí sinh đều lo lắng và e sợ nhất khó nhất là phần thi Dừng xe ngang dốc bởi với những thí sinh non tay, bài thi này luôn là nỗi ác mộng vì chỉ không cẩn thận sẽ rất dễ bị đánh trượt. Đối với xe số tự động thì việc đề pa lên dốc sẽ dễ hơn khi có công nghệ hỗ trợ, còn với xe số sàn đây là việc không hề đơn giản bởi nếu không xử lý đúng kỹ thuật sẽ khiến xe bị trôi hay chết máy.

Ông Đào Duy Phong, Trưởng Phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) tiết lộ các kỳ sát hạch từ đầu năm 2020 đến nay, tỷ lệ đỗ trên tổng số học viên tham gia sát hạch trung bình 55% đối với ôtô, 70% đối với môtô.

Xác định công tác đào tạo và sát hạch lái xe có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế tai nạn giao thông, theo ông Phong, trong những năm qua, thành phố đã chỉ đạo phải kiểm soát chặt chẽ, nghiêm túc khâu sát hạch đầu ra nên tỷ lệ học viên vượt qua các kỳ sát hạch luôn bảo đảm tính chính xác, khách quan.

“Thực tế, thí sinh dự sát hạch đều biết trước nhưng nội dung sẽ phải thực hiện theo quy trình sát hạch (bộ câu hỏi dùng để sát hạch lý thuyết, các tình huống bài thi kỹ năng thực hành lái xe). Như vậy, việc đỗ hay trượt là phụ thuộc vào sự ôn tập, rèn luyện. Bên cạnh đó, yêu tố tâm lý cũng đóng vai trò quan trọng đến kết quả dự sát hạch của thí sinh,” ông Phong khẳng định.

Chất lượng sát hạch đã nâng cao rõ rệt

Ông Phong đánh giá, Hà Nội là một trong những số ít địa phương đi đầu cả nước tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào giám sát công tác đào tạo và sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Cụ thể, từ ngày 01/10/2019 các trung tâm sát hạch trên địa bàn thành phố đã thực hiện truyền trực tuyến công tác sát hạch qua hệ thống camera theo quy định về Tổng cục Đường bộ Việt Nam để thực hiện giám sát.

Từ ngày 01/5/2020, 100% các cơ sở đào tạo lái xe ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ôtô (trừ hạng B1), tăng cường quản lý việc học lái xe ôtô, công khai thông tin và thời gian học đảm bảo học đúng, học đủ số giờ theo quy định.

Sát hạch lái xe: Tự động hóa chấm điểm, ngăn can thiệp từ con người ảnh 2Bộ câu hỏi thi lý thuyết bám sát với các quy định của Luật giao thông đường bộ. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

“Sở Giao thông Vận tải cũng tăng cường công tác thanh kiểm tra thường xuyên, đột xuất các cơ sở đào tạo trung tâm sát hạch khi từ đầu năm đến nay đã kiểm tra đột xuất 3 cơ sở đào tạo trên 20 kỳ sát hạch lái xe và kiểm tra 11 cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch,” ông Phong nói.

[Thi lý thuyết lái xe 2020: Trả lời sai một câu điểm liệt sẽ trượt]

Mặt khác, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội yêu cầu các cơ sở đào tạo lái xe không ngừng rà soát điều kiện, tiêu chuẩn giáo viên theo quy định. Qua rà soát, 100% giáo viên đều đạt chuẩn, đáp ứng được yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ đào tạo lái xe.

Theo đại diện Vụ An toàn giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay cả nước đã có 133 Trung tâm sát hạch lái xe với cơ sở vật chất, trang thiết bị của các đơn vị được xây dựng theo quy chuẩn, áp dụng công nghệ hiện đại, tự động chấm điểm, công khai hóa quá trình và kết quả sát hạch của từng thí sinh.

“Chất lượng sát hạch đã nâng cao rõ rệt (số lượng câu hỏi lý thuyết tăng gấp 4 lần đã bao quát các câu hỏi quan trọng tính điểm liệt, cập nhật nhiều câu hỏi về điều kiện cơ sở hạ tầng, phương tiện hiện đại) do vậy các tiêu cực đã được hạn chế tới mức thấp,” đại diện Vụ An toàn giao thông khẳng định./.

Nhằm nâng cao hơn nữa an toàn giao thông trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai đợt kiểm tra đối với các trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật để kịp thời phát hiện, xử nghiêm các sai phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Tổng cục Đường bộ khẩn trương xây dựng quy chuẩn cabin học lái xe ôtô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành, xây dựng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục