Séc muốn đạt thỏa thuận dài hạn với Ba Lan về mỏ than Turow

Các cuộc đàm phán để chấm dứt tranh chấp về mỏ than Turow đã rơi vào bế tắc hôm 30/9 liên quan đến thời gian thỏa thuận có hiệu lực, do Cộng hòa Séc đang tìm kiếm một khuôn khổ dài hạn.
Mỏ than Turow nhìn từ làng Vitkov, CH Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỏ than Turow nhìn từ làng Vitkov, CH Séc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 1/10, Ngoại trưởng Séc Jakub Kulhanek cho rằng bất kỳ thỏa thuận nào với Ba Lan về mỏ than Turow đang tranh chấp cần phải kéo dài hơn thời hạn 2 năm mà Warsaw đã đưa ra.

Các cuộc đàm phán để chấm dứt tranh chấp về mỏ than Turow, vốn được đưa ra tòa án của Liên minh châu Âu, đã rơi vào bế tắc hôm 30/9 liên quan đến thời gian thỏa thuận có hiệu lực, do Praha đang tìm kiếm một khuôn khổ dài hạn.

Trên trang Twitter, Ngoại trưởng Kulhanek nêu rõ: "Việc khai thác tại mỏ than Turow sẽ kéo dài trong 22 năm. Về mặt logic, chúng tôi phải đạt được thời hạn nào đó lâu hơn 2 năm (trong thỏa thuận này)."

Các cuộc đàm phán giữa Ba Lan và Séc liên quan đến mỏ than Turow diễn ra sau khi một tòa án hàng đầu của châu Âu ra phán quyết buộc Ba Lan phải trả khoản tiền phạt 500.000 euro (586.000 USD) mỗi ngày nếu nước này tiếp tục khai thác than tại mỏ Turow.

Turow cung cấp điện cho khoảng 2,3 triệu hộ gia đình Ba Lan. Tuy nhiên, từ lâu mỏ than này đã trở thành trung tâm của một cuộc tranh chấp quốc tế.

[Ba Lan tuyên bố không gia hạn hợp đồng mua khí đốt của Nga]

Mỏ Turow nằm ở một mỏm nhỏ của Ba Lan, ngay biên giới với Đức và Cộng hòa Séc. Hai quốc gia đã vận động để đóng cửa mỏ vì những lo ngại về môi trường dù vẫn sử dụng than để sản xuất năng lượng.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, năm 2019, than được sử dụng để sản xuất 80% năng lượng nội địa của Ba Lan, so với 54% ở Cộng hòa Séc và 43% ở Đức.

Căng thẳng leo thang khi PGE - công ty quản lý mỏ than Turow - thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động khai thác gần biên giới Cộng hòa Séc.

Praha cho rằng mỏ Turow đang gây hại cho các cộng đồng sinh sống bên phần lãnh thổ Séc giáp biên giới với Ba Lan. Các cuộc đàm phán về vấn đề này đã thất bại trong nhiều năm qua, với việc Ba Lan từ chối thay đổi kế hoạch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục