Singapore âm thầm hiện đại hóa quân đội thế hệ tiếp theo

Singapore dự kiến cũng sẽ cải tổ tổ chức tình báo quân đội và tổ chức phòng thủ mạng của nước này, song chưa tiết lộ cụ thể thời điểm tiến hành.
Singapore âm thầm hiện đại hóa quân đội thế hệ tiếp theo ảnh 1Binh sỹ Singapore trong một buổi tập trận. (Nguồn: hawaiiarmyweekly.com)

Theo trang mạng eastasiaforum.org, lực lượng vũ trang Singapore (SAF) đã khởi động công cuộc hiện đại hóa thế hệ tiếp theo để chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho tương lai.

Bộ Quốc phòng nước này hiện đang tập trung vào lĩnh vực an ninh nội địa, an ninh mạng và an ninh cá nhân. Đại dịch COVID-19 và mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc đang làm phức tạp thêm các quan ngại an ninh quốc gia của đảo quốc này, nhất là trong bối cảnh Singapore sở hữu rất ít công cụ và lựa chọn để xử lý cạnh tranh chiến lược toàn cầu.

Những trì trệ gây ra bởi COVID-19 và tình hình bất ổn của an ninh khu vực đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công cuộc hiện đại hóa của SAF.

Công cuộc hiện đại hóa quân sự của Singapore trong suốt 55 năm qua kể từ khi giành được độc lập hiện đang mang tính nhất quán, thận trọng và chặt chẽ. Bộ quốc phòng thường xuyên tiến hành đánh giá lại chính sách quốc phòng của mình, tái cơ cấu tổ chức, mua sắm công nghệ và nâng cấp khí tài.

Tính thận trọng được thể hiện rõ trong dự án hiện đại hóa quân sự hiện nay của SAF, theo đó được thực hiện dựa trên nhu cầu thực tế chứ không phải một hình thức phô trương, để các thương vụ vũ khí “đáng đồng tiền bát gạo” và không tạo ra cuộc chạy đua vũ trang. Tính chặt chẽ nằm ở sự phối hợp nhịp nhàng dựa trên năng lực tương tác và phối hợp hành động.

SAF thế hệ thứ nhất (tính từ năm 1965 đến đầu những năm 1980) và SAF thế hệ thứ hai (từ giữa những năm 1980 đến đầu những năm 2000) đã bắt đầu với những đẩy mạnh quan trọng về thế hệ lực lượng thông qua chế độ quân dịch bắt buộc, làm chủ các nền tảng vũ khí và sự phối hợp nhịp nhàng giữa các quân chủng.

[Singapore đưa vào sử dụng Hệ thống phòng không Aster-30 thế hệ mới]

Trong những giai đoạn này, những mối quan ngại về an ninh quốc gia của Singapore bao gồm hoạt động phá hoại của chủ nghĩa cộng sản cùng những hiểm họa từ các quốc gia láng giềng lớn hơn.

Đây cũng là những thời kỳ mà quá trình mua bán vũ khí số lượng lớn trên toàn khu vực đã vượt qua lằn ranh mong manh giữa hiện đại hóa quân sự với chạy đua vũ trang.

Bước sang thế kỷ 21, SAF có khả năng thực hiện các chiến dịch hiệp đồng dựa trên một quân đội gồm 7 sư đoàn, một hệ thống phòng không đa tầng và một lực lượng hải quân viễn dương mới thành lập.

SAF thế hệ thứ ba (từ đầu những năm 2000 tới nay) khác biệt so với 2 thế hệ trước ở 3 điểm dưới đây:

Thứ nhất, SAF đã có sự cải thiện về năng lực bắn trúng mục tiêu (về độ chính xác và độ sát thương), khả năng di chuyển (tính cơ động, khả năng sinh tồn, tầm hoạt động và sức bền) và liên lạc (tất cả đều thuộc mạng lưới chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình báo, giám sát và do thám của Singapore).

Thứ hai, sự điều phối giữa vai trò trong thời bình và trong thời chiến của SAF thông qua các hệ thống chỉ huy được cải tổ đã giúp SAF đáp ứng tốt hơn các nhu cầu chiến tranh và nhu cầu phối hợp các binh chủng.

Thứ ba, sự trưởng thành của SAF và nhu cầu chính trị đã dẫn tới việc quân đội Singapore tham gia những chiến dịch viễn chinh xa xôi như các sứ mệnh chống hải tặc tại Vịnh Aden cũng như một số sứ mệnh đặc thù tại Afghanistan và Iraq.

Bên cạnh đó, SAF thế hệ tiếp theo (từ đầu những năm 2020 về sau) nhiều khả năng sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực từ ngắn hạn tới trung hạn cho tới năm 2030.

Thứ nhất, SAF sẽ phát triển dựa trên nền tảng các sáng kiến cho thế hệ thứ 3, trong đó gồm mô thức tác chiến khép kín định vị mục tiêu bằng thiết bị cảm biến và ra lệnh cho các vũ khí đánh chặn (sensor-shooter cycle), theo dõi, giám sát, bảo trì phòng ngừa, và đào tạo về phân tích dữ liệu.

Bộ Quốc phòng Singapore cũng sẽ nghiên cứu và khai thác việc sử dụng vũ khí có nền tảng điều khiển tự động, trí tuệ nhân tạo, các thiết bị mạng và không gian để phục vụ các hoạt động đa lĩnh vực. Quá trình mua sắm và nâng cấp khí tài sẽ diễn ra theo lộ trình dần dần để phù hợp với những đình trệ do COVID-19 gây ra.

Những hành động như vậy của SAF đang phản ánh các xu hướng công nghệ chung mà các lực lượng quân đội hàng đầu thế giới đang áp dụng. Đối với Singapore, việc áp dụng công nghệ sẽ phần nào giúp giảm nhẹ cuộc khủng hoảng nhân khẩu mà quân đội nước này đang phải đối mặt, khi mà quân số nhập ngũ được ước tính sẽ sụt giảm 1/3 trong thập kỷ tới.

Thứ hai, SAF thế hệ tiếp theo sẽ cải tiến năng lực của SAF thế hệ thứ 3 xét về khả năng đối phó với các mối đe dọa trong nước và an ninh mạng. Nhờ được trang bị thêm các hệ thống chỉ huy, kiểm soát và thu thập thông tin tình báo, SAF thế hệ thứ 3 đã cải thiện được những lựa chọn phối hợp hoạt động mang tính chiến thuật của các lực lượng đặc nhiệm của Singapore trong cuộc chiến chống khủng bố, như Lực lượng đặc nhiệm bảo vệ đảo an ninh đảo quốc, Lực lượng đặc nhiệm phụ trách các chiến dịch đặc biệt và Lực lượng đặc nhiệm bảo vệ an ninh hàng hải.

Ngoài ra, Singapore dự kiến cũng sẽ cải tổ tổ chức tình báo quân đội và tổ chức phòng thủ mạng của nước này, song chưa tiết lộ cụ thể thời điểm tiến hành.

Cuối cùng, SAF thế hệ tiếp theo sẽ tiếp tục huấn luyện để nâng cao năng lực cho các chiến dịch tấn công đồng thời hoàn thiện năng lực răn đe, tác chiến và giành thắng lợi trước mọi cuộc xung đột nếu cần thiết.

Khi so sánh SAF thế hệ thứ ba với SAF thế hệ tiếp theo, thì sự khác biệt không chỉ nằm ở các nền tảng vũ khí và năng lực mới, mà còn nằm ở những lĩnh vực huấn luyện quy mô lớn hơn và thực tiễn hơn. COVID-19 đã khiến lịch trình huấn luyện giảm sút và hủy bỏ nhiều cuộc diễn tập quy mô lớn như cuộc diễn tập Forging Sabre tại Mỹ và Wallaby tại Australia.

Huấn luyện tại chỗ và huấn luyện thực tế ảo có thể sẽ là giải pháp tạm thời cho năm nay, song chúng khó có thể sớm thay thế các cuộc diễn tập thực địa. Điều này được minh chứng rõ nét nhất thông qua việc phát triển các khu vực huấn luyện rộng lớn tại Singapore và Australia có đủ khả năng tổ chức những đợt diễn tập cấp lữ đoàn lần lượt vào năm 2024 và 2028.

SAF thế hệ tiếp theo dường như rất hứa hẹn, song những sáng kiến hiện đại hóa quân sự có thể dẫn tới nhiều hậu quả không mong muốn. Đã có một số khẳng định vô căn cứ rằng việc Singapore mua máy bay tiêm kích tấn công phối hợp F-35 của Mỹ là nhằm vào Bắc Kinh và rằng đảo quốc này nổi lên trở thành “cảng nhà” cho Hạm đội 1 của Hải quân Mỹ.

Những khẳng định vô căn cứ này đã cố tình phớt lờ quan điểm trung lập của Singapore cũng như mong muốn đứng ngoài cuộc đối đầu hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc.

Những vấn đề đáng lo ngại hơn liên quan tới bẫy công nghệ. Liệu các quốc gia láng giềng của Singapore sẽ coi SAF là một mối đe dọa nếu khoảng cách năng lực giữa lực lượng quân đội Singapore và của các nước này trở nên quá cách biệt hay không?

Liệu các hệ thống vũ khí tự động và điều khiển từ xa và tích hợp AI sẽ đặt dấu chấm hết cho nghĩa vụ quân sự? Chúng ta vẫn chưa biết rõ làm cách nào những quân nhân của SAF có thể mài dũa kỹ năng và phát triển thành những quân nhân chuyên nghiệp khi không dựa vào công nghệ.

Những nhà chiến lược quốc phòng của Singapore đã suy nghĩ về những câu hỏi này trong bản kế hoạch xây dựng SAF thế hệ tiếp theo. Hiện đại hóa quân sự dường như là một nhiệm vụ dễ dàng. Sự cám dỗ của công nghệ là điều bất biến đối với các lực lượng vũ trang toàn cầu, cũng như việc duy trì hòa bình và an ninh vẫn là một thách thức muôn thuở./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục