Ngày 25/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Dự án hỗ trợ thực hiện pháp luật lao động và thúc đẩy thanh tra lao động vững mạnh tại Việt Nam, Bộ Lao động Mỹ tổ chức Hội thảo “Định hướng chiến lược phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động.”
Tại hội thảo, các đại biểu đều thống nhất quan điểm: để hạn chế mức thấp nhất về tranh chấp lao động tập thể, cần nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đại diện quyền và lợi ích của người lao động. Điều này góp phần hiệu quả vào việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đồng thời, tăng cường thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, ký kết thương lượng thỏa ước lao động tập thể nhằm xây dựng mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa, đảm bảo quyền lợi của đôi bên.
Để phòng ngừa và giải quyết tranh chấp lao động cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cả hai bên. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, cần thành lập ban chỉ đạo và tổ công tác liên ngành về giải quyết đình công tại địa phương nhằm hỗ trợ các bên thương lượng thỏa thuận, giải quyết các xung đột trong quá trình thương lượng hai bên.
Bên cạnh đó, cần tăng cường cơ chế đối thoại thương lượng thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động...
Các đại biểu đều cho rằng, để ngăn ngừa và giải quyết các cuộc tranh chấp lao động tập thể tại doanh nghiệp thì cả người lao động mà đại diện là tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động phải thường xuyên và tích cực đối thoại để tìm ra tiếng nói chung, xây dựng cơ chế trao đổi định kỳ với các hiệp hội và các tổ chức đối tác để nắm bắt những vướng mắc của doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những vướng mắc giữa các bên.
Cùng với đó, cấp công đoàn cơ sở cần làm tốt hơn nữa vai trò của mình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, kịp thời thông báo đến doanh nghiệp những yêu cầu kiến nghị của người lao động; phối hợp với chủ doanh nghiệp tìm phương án giải quyết nhanh chóng những khiếu nại, cùng với doanh nghiệp thực hiện các chính sách chăm lo cho người lao động.
Đồng thời, người lao động cũng cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình đối với doanh nghiệp, tuân thủ các quy tắc, nội quy lao động và thỏa ước lao động tập thể, xây dựng tác phong công nghiệp, lao động có kỷ luật./.