Tăng nguồn cung xăng dầu chế biến: Chính sách cần linh hoạt, thực tế

Việc thực thi các chính sách hỗ trợ linh hoạt, bám sát với biến động phức tạp của thị trường dầu thô thế giới là rất cần thiết để doanh nghiệp chế biến xăng dầu có thể tăng công suất.
Tăng nguồn cung xăng dầu chế biến: Chính sách cần linh hoạt, thực tế ảnh 1Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Với thực tế là nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến thời điểm này vẫn chưa thể chạy đủ công suất và việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu chế biến trong nước ra thị trường đang đặt “gánh nặng lên vai” nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Vì vậy, việc thực thi các chính sách hỗ trợ linh hoạt, bám sát với biến động phức tạp của thị trường dầu thô thế giới là rất cần thiết để doanh nghiệp chế biến xăng dầu có thể tăng công suất, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.  

Dung Quất hoạt động vượt xa công suất thiết kế

Là doanh nghiệp chế biến xăng dầu đang đáp ứng hơn 30% nhu cầu xăng dầu thành phẩm cho thị trường trong nước, từ đầu năm đến nay, nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã phải chạy vượt xa công suất thiết kế để tăng nguồn cung ra thị trường trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu bị thiếu hụt do tác động của căng thẳng Nga-Ukraine cũng như những trục trặc trong vận hành của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn-đơn vị chiếm gần 40% nguồn cung xăng dầu trong nước.

Trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, Chính phủ đã chỉ đạo các đầu mối tăng nhập khẩu xăng dầu đề bù đắp cho phần thiếu hụt từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Tuy nhiên, với giá xăng dầu thế giới tăng cao, cộng thêm các khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trên thế giới, việc nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam cũng gặp khó khăn.

Thực tế khảo sát của PVN và BSR tại nhiều thị trường trên thế giới cho thấy, từ đầu năm đến nay, nhiều nước sản xuất xăng dầu; trong đó, có Trung Quốc đã cắt giảm hạn ngạch xuất khẩu xăng dầu để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, do đó giá xăng dầu thành phẩm bị tăng cao.

Vì vậy, các đầu mối nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam trong nhiều trường hợp bị lỗ do giá nhập khẩu cao, cộng thêm các phụ phí, chi phí vận chuyển logistic cao.

Thêm vào đó, thời gian nhập khẩu về so với mua trong nước lại dài nên không hiệu quả, thậm chí bị lỗ.

Theo Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương, từ đầu năm đến nay, nhiều đầu mối xăng dầu đã đề nghị BSR tăng công suất nhà máy lọc dầu Dung Quất. Trong tháng 4 và 5 vừa qua, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chạy với công suất cao, lên tới 109% công suất thiết kế; có những giai đoạn chạy lên tới 112% công suất để đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Tuy nhiên, do công suất của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lớn hơn nhiều nên dù nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chạy với công suất cao thì cũng không thể bù đắp hết sự thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trên thị trường trong nước. Riêng đợt Tết Nguyên đán vừa qua, nguồn cung của Bình Sơn ra thị trường đã tăng 16%.

Vì vậy, từ nay đến cuối năm, nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng chỉ có thể giữ công suất ở mức cao như hiện nay và cũng không thể tăng cao hơn nữa để đảm bảo vận hành an toàn nhà máy. Vượt quá ngưỡng an toàn này, nhà máy có thể gặp sự cố và nếu cả 2 nhà máy cùng không thể hoạt động thì nguồn cung cho thị trường sẽ còn khó khăn hơn nữa.

Theo Bộ Công Thương, dự kiến nhu cầu xăng dầu quý 2 năm 2022 khoảng 5,2 triệu m3. Tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 khoảng 20,6 triệu m3.

Dự kiến nguồn cung xăng dầu quý 2 năm 2022 đạt 6,7 triệu m3, bao gồm nguồn từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến là 1,8 triệu m3, nhà máy lọc dầu Dung Quất dự kiến là 1,9 triệu m3; nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và nguồn tồn kho từ quý I/2022 chuyển sang khoảng 1,5 triệu m3.

[Khai thác dầu thô 4 tháng đạt 3,63 triệu tấn vượt 23% kế hoạch]

Vì vậy, nguồn cung này sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý 3 khoảng 1,5 triệu m3.

Đáng chú ý, nguồn nhập khẩu nêu trên chưa tính đến việc doanh nghiệp phải thực hiện nhập khẩu tăng thêm để bù đắp việc giảm công suất của nhà máy lọc dầu Nghi Sơn theo Quyết định số 242/QĐ-BCT là 800.000 m3/tháng, tương đương cả quý 2 là 2,4 triệu m3.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn và hạn mức nhập khẩu tối thiểu bổ sung đã được bộ giao trong quý 2 năm 2022.

Trên cơ sở báo cáo kế hoạch cụ thể sản xuất, cung ứng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, cân đối với nhu cầu tiêu thụ trong nước điều chỉnh phân giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong 6 tháng cuối năm 2022.

Nhiều khó khăn cần sớm tháo gỡ

Với chính sách cấm nhập khẩu dầu thô của Nga đang được thực thi sau khi xảy ra căng thẳng Nga-Ukraine,  nhiều nước có nhà máy lọc dầu đã đẩy mạnh việc mua dầu thô từ các nước ở Trung Đông, châu Phi, châu Á, khiến giá dầu thô cũng vì thế mà tăng cao.

Tăng nguồn cung xăng dầu chế biến: Chính sách cần linh hoạt, thực tế ảnh 2Khu Kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa). (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Không chỉ giá dầu thô thế giới tăng cao, việc nhập khẩu dầu thô về Việt Nam cũng không hề dễ dàng do chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí vận chuyển tăng cao, thời gian vận chuyển kéo dài như mua dầu từ Mỹ thì thời gian vận chuyển lên tới 46-60 ngày.

Vì vậy, việc đảm bảo dầu thô đầu vào cho nhà máy lọc dầu Dung Quất chạy công suất cao đang là một thách thức với BSR.

Chủ tịch BSR Nguyễn Văn Hội cho biết, hiện cơ cấu nguồn cung nguyên liệu dầu thô cho nhà máy lọc dầu Dung Quất thì 70-80% là trong  nước, còn lại là nhập dầu thô nước ngoài. Tuy nhiên có những thời điểm, BSR phải tăng nhập khẩu lên tới 50% khi nguồn cung trong nước khó khăn.  

Theo ông Hội, từ năm 2018 trở về trước, tất cả dầu thô khai thác của các đơn vị sản xuất dầu thô lớn nhất là Liên doanh dầu khí Việt Nga Vietsovpetro hay Tổng công ty thăm dò và khai thác dầu khí (PVEP) đều được chuyển về Nhà máy lọc dầu Dung Quất trên cơ sở giá thế giới và cộng thêm một phần phụ phí.

Tuy nhiên từ năm 2018 lại đây, theo quy định hiện hành, toàn bộ dầu thô khai thác trong nước buộc phải đấu thầu quốc tế.

Vì vậy, cho dù đều là các đơn vị thành viên trong PVN nhưng BSR phải mua phần lớn dầu thô của các đơn vị khai thác này với giá trúng thầu cao nhất.

Thực tế là giá dầu thô BSR mua hiện nay còn bị chênh phụ phí, thậm chí cao hơn bình thường trong hai năm gần đây. Ví dụ từ năm 2019 trở về trước, phụ phí khoảng từ 1,5-2 USD/thùng, năm 2020-2021 khoảng 3-4 USD/thùng, còn hiện nay trung bình từ 5-6 USD/thùng.

Tổng Giám đốc Bùi Ngọc Dương cũng cho hay BSR đã đề nghị PVN và Chính phủ đưa hết dầu thô khai thác trong nước về nhà máy Dung Quất để chế biến sản phẩm.  

Tuy nhiên, cho đến nay, BSR vẫn phải mua dầu thô trong nước theo cơ chế đấu thầu cạnh tranh quốc tế.

Trong bối cảnh nguồn cung dầu thô thế giới khan hiếm, các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan đã nâng giá đấu lên rất cao để mua hết dầu thô khai thác tại Việt Nam nên BSR rất khó cạnh tranh để mua nguyên liệu, đảm bảo cho nhà máy lọc dầu chạy công suất cao.

Để giải quyết khó khăn này, bên cạnh sự hỗ trợ của PVN, BSR đã chủ động nâng giá mua, tìm mua các nguồn nguyên liệu khác, nguyên liệu trung gian có thể đưa vào chế biến xăng dầu.

Nguyên liệu trung gian này được nhập khẩu từ các nhà máy lọc dầu khác trên thế giới hoặc từ chính nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Nhưng, thủ tục nhập khẩu về cũng như chính sách thuế chưa thực sự hỗ trợ doanh nghiệp triển khai mạnh giải pháp thay thế khi nguồn cung dầu thô khó khăn.

Mặc dù cùng là nguyên liệu chế biến xăng dầu nhưng dầu thô thì được hưởng thuế nhập khẩu 0% trong khi các nguyên liệu trung gian này vẫn phải chịu thuế nhập khẩu ít nhất là 5%.

"Về mặt bản chất, sản phẩm trung gian cũng chỉ là nguyên liệu đầu vào, không phải sản phẩm mang về pha chế trực tiếp. Đây chính là vướng mắc về thuế đang ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của BSR," ông Dương chia sẻ.

Vì vậy, BSR đang kiến nghị Chính phủ sửa đổi Nghị định số 57/2020/NĐ-CP về danh mục các mặt hàng có mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi bằng 0%; trong đó, với các nguyên liệu tương tự như dầu thô thì nên áp dụng mức thuế suất 0% như dầu thô để tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp lọc dầu như Bình Sơn.

Ngoài ra, BSR cũng gặp khó khăn trong cạnh tranh bình đẳng với các nhà sản xuất xăng dầu khác khi Nghị định 95/2021/NĐ-CP không cho phép BSR được cộng phần premium và lợi thế của BSR vào công thức giá trong khi các nhà nhập khẩu xăng dầu về Việt Nam lại được cộng hết phần này vào giá (premium trong nước là khoản chênh lệch so với giá thế giới, được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền theo sản lượng.

Khoản chênh lệch này do Bộ Tài chính xác định, không cao hơn giá thế giới bình quân trong công thức tính giá xăng dầu từ nguồn trong nước nhân với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi thấp nhất).

Theo đó, giá xăng dầu của BSR bị định giá thấp hơn giá xăng dầu nhập khẩu. Đây chính là sự bình đẳng giữa nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện nay khi cả hai đều mua nguyên liệu đầu vào theo thị trường cạnh tranh nhưng giá bán sản phẩm đầu ra lại theo cơ chế khác nhau.

Vì vậy, việc sớm điều chỉnh chính sách là cần thiết để BSR nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, ông Dương đề xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục