Tăng trưởng nhu cầu yếu tại Trung Quốc kéo giá dầu thế giới giảm

Phiên 20/6, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tám giảm 19 xu Mỹ, hay 0,3%, xuống 75,90 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Bảy giảm 1,28 USD, hay 1,8%, xuống 70,50 USD/thùng.
Tăng trưởng nhu cầu yếu tại Trung Quốc kéo giá dầu thế giới giảm ảnh 1Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Minas Gerais, Brazil. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch đầy biến động ngày 20/6, trước những đồn đoán về tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ yếu ở Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới, và mức độ cắt giảm lãi suất cho vay của Trung Quốc không được như kỳ vọng của thị trường.

Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tám giảm 19 xu Mỹ, hay 0,3%, xuống 75,90 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Bảy giảm 1,28 USD, hay 1,8%, xuống 70,50 USD/thùng. Phiên này, giá xăng và dầu diesel kỳ hạn tại Mỹ cũng giảm gần 3%.

Trung Quốc đã hạ lãi suất cơ bản (LPR) lần đầu tiên trong 10 tháng qua, với mức giảm 0,1 điểm phần trăm đối với lãi suất cơ bản kỳ hạn 5 năm. Đây là mức giảm ít hơn dự đoán của thị trường.

[Liệu giá dầu mỏ trên thị trường thế giới có ngừng giảm?]

Quyết định hạ lãi suất nói trên được đưa ra sau số liệu kinh tế cho thấy các lĩnh vực chế tạo và bán lẻ của nước này đang “vật vã” để duy trì đà tăng từ trước đó trong năm nay.

Chuyên gia tại bộ phận nghiên cứu của Công ty xăng dầu quốc gia Trung Quốc (CNPC) cho rằng nhu cầu dầu thô của nước này sẽ tăng ít hơn dự đoán trước đó do người tiêu dùng chuyển từ xe chạy xăng sang xe điện.

Số liệu từ Cơ quan hải quan Trung Quốc cho thấy lượng dầu nhiên liệu nhập khẩu của nước này đã giảm xuống trong tháng Năm sau khi chạm mức cao nhất 10 năm qua trong tháng Tư.

Dù nhu cầu dầu ở Trung Quốc được dự đoán tăng yếu hơn, nhưng hoạt động tiêu thụ dầu ở cả nước này và Ấn Độ vẫn được dự báo sẽ tăng lên trong những tháng tới, qua đó hạn chế đà giảm của giá dầu trong phiên này.

Về phía cung, sản lượng dầu và lượng dầu thô xuất khẩu của Iran đã chạm các mức cao mới trong năm nay bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Nga cũng dự kiến sẽ tăng xuất khẩu một số chế phẩm dầu mỏ trong tháng này, qua đó "lấn át" tác động từ thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, trong đó có cả Nga./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục