Tây Ninh lọt Top 10 tỉnh, thành giải ngân vốn đầu tư công cao nhất

Năm 2022, Tây Ninh được xếp hạng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước với số vốn ước dự kiến giải ngân đến hết ngày 31/1/2023 là trên 4.368 tỷ đồng.
Tây Ninh lọt Top 10 tỉnh, thành giải ngân vốn đầu tư công cao nhất ảnh 1Thi công tuyến đường ĐT.784 đi qua địa phận huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh Võ Đức Trong cho biết, năm 2022, Tây Ninh được xếp hạng nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước, với số vốn ước dự kiến giải ngân đến hết ngày 31/1/2023 là trên 4.368 tỷ đồng.

Cụ thể, kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 của Tây Ninh do Thủ tướng Chính phủ giao là trên 3.898 tỷ đồng (gồm vốn nguồn ngân sách địa phương là 2.642 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương là trên 1.048 tỷ đồng; vốn ODA là gần 208 tỷ đồng).

Kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 do Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh giao là trên 4.486 tỷ đồng (tăng hơn so với Thủ tướng Chính phủ giao là 588 tỷ đồng, lấy nguồn vốn từ ngân sách địa phương bổ sung).

Trước đó, để đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các địa phương khi triển khai phải linh hoạt. Khi có vấn đề vướng mắc nơi nào, phải tháo gỡ ngay nơi đó, nhờ vậy, việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đã đạt hiệu quả hơn, ít trường hợp phải cưỡng chế.

Tại buổi giám sát công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công, giai đoạn 2018-2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, Trần Văn Chiến cho biết, khó khăn lớn nhất trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng là xác định giá đất, xác định cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất trên đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó còn có tình trạng hiện trạng sử dụng đất và mục đích sử dụng đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không khớp với mục đích sử dụng thực tế; khó khăn trong bố trí khu tái định cư; đơn giá nhà ở, công trình, vật kiến trúc, cây trồng chưa hợp lý.

Ngoài ra, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, bộ máy cán bộ, công chức, viên chức của Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Sự phối hợp, quyết tâm của hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp ủy ở cấp huyện trong chỉ đạo thực hiện vấn đề này chưa quyết liệt; khó khăn trong việc xử lý đối với các trường hợp lấn chiếm đất, đất tranh chấp, đất sang nhượng bằng giấy tay.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh cũng cho biết, tỉnh đã kiến nghị Bộ Tài chính sớm xem xét điều chỉnh, sửa đổi Thông tư 74/2015/TT-BTC, ngày 15/5/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về hướng dẫn lập dự toán, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhằm giải quyết thu nhập thêm cho nhân viên Trung tâm Phát triển quỹ đất an tâm làm việc.

[Tây Ninh hoàn thành sớm chỉ tiêu về thu ngân sách năm 2022]

Ủy ban Nhân dân tỉnh đã kiến nghị Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh xem xét, cho ý kiến về việc xây dựng chính sách đặc thù cho người làm bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Nhấn mạnh việc phải đảm bảo điều kiện tái định cư cho người dân, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm yêu cầu Ủy ban Nhân dân tỉnh khi triển khai quy hoạch đất đai cần phải đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Tỉnh cần rà soát lại quy định về tái định cư. Khi chuẩn bị thực hiện các dự án cần phải chuẩn bị phương án tái định cư cho người dân bị thu hồi hết đất và phải chủ động thực hiện việc tái định cư trước khi thu hồi đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân có đất bị thu hồi và lợi ích của Nhà nước. Đồng thời, định giá đất phải theo cơ chế thị trường nhưng trong điều kiện bình thường và phải theo đúng mục đích sử dụng đất được Nhà nước cấp.

Tây Ninh lọt Top 10 tỉnh, thành giải ngân vốn đầu tư công cao nhất ảnh 2Thi công tuyến đường nâng cấp, mở rộng ĐT.795 đi qua địa phận huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN)

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thành Tâm cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh khẩn trương hoàn thành Đề án cơ sở dữ liệu về đất đai.

Đánh giá, tổng kết lại việc chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định pháp luật về giải phóng mặt bằng trong thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh để cập nhật, bổ sung, nhằm triển khai tốt việc giải phóng mặt bằng phục vụ cho đầu tư công và có thể mở rộng ra cho các dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương, góp phần đẩy nhanh tiến độ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trong giai đoạn 2018-2021, toàn tỉnh Tây Ninh đã thực hiện tổng cộng 113 công trình, dự án đầu tư công có liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích thu hồi đất là hơn 1.560ha.

Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất 8.852 hộ. Tổng số hộ gia đình, cá nhân chấp hành việc thu hồi đất là 8.822/8.852 hộ. Tổng kinh phí chi cho giải phóng mặt bằng là gần 2.000 tỷ đồng.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm đánh giá, trong giai đoạn 2018-2021, về cơ bản, đa số người dân đều đồng tình ủng hộ và chấp hành tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương của chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng.

Các dự án được triển khai đúng tiến độ phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ đời sống người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục