Thái Lan khởi động tiến trình đàm phán hòa bình tại miền Nam

Chính phủ Thái Lan và BRN - nhóm vũ trang chủ chốt tại miền Nam Thái Lan đã nhất trí giải quyết các vấn đề thông qua giải pháp hòa bình và không xung đột vũ trang.
Cảnh sát điều tra tại hiện trường một vụ tấn công ở Pattani, miền nam Thái Lan, ngày 24/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cảnh sát điều tra tại hiện trường một vụ tấn công ở Pattani, miền nam Thái Lan, ngày 24/7/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tiến trình hòa đàm giữa Chính phủ Thái Lan và BRN - nhóm vũ trang chủ chốt tại miền Nam Thái Lan - đã được khởi động ngày 20/1, đánh dấu bằng cuộc gặp chính thức giữa đại diện của BRN và nhà đàm phán hàng đầu của Chính phủ Thái Lan.

Giới quan sát nhận định cuộc đối thoại này mở ra hy vọng sớm chấm dứt tình trạng xung đột tại 3 tỉnh miền Nam Thái Lan trong suốt 16 năm qua, vốn đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.

Tham dự cuộc gặp này có ông Wanlop Rugsanaoh, người đứng đầu Ban Đối thoại hòa bình của chính phủ, và đại diện của BRN Anas Abdulrahman.

[Chính quyền Thái Lan chuẩn bị áp đặt lệnh giới nghiêm ở miền Nam]

Ông Abdul Rahim Noor, cựu thanh tra Malaysia đã có mặt trong cuộc gặp này với vai trò quan sát viên.

Trả lời hãng tin AFP tối 21/1, ông Abdul Rahim Noor cho biết hai bên đã nhất trí giải quyết các vấn đề thông qua giải pháp hòa bình và không xung đột vũ trang.

Trong một tuyên bố ngày 22/1, BRN cho biết hai bên đã nhất trí "giải quyết các cuộc xung đột vũ trang bằng các giải pháp chính trị."

Trong khi đó, Hội đồng An ninh quốc gia Thái Lan cũng ra tuyên bố cho biết cơ quan này "sẵn sàng hợp tác với các bên."

Dự kiến cuộc gặp tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng tới.

Khu vực miền Nam Thái Lan gồm 3 tỉnh Yala, Pattani và Narathiwat thường xuyên chứng kiến các cuộc tấn công của các nhóm vũ trang.

BRN được cho là lực lượng chính đừng đằng sau các vụ tấn công này, song BRN vẫn luôn từ chối đàm phán hòa bình với giới chức Thái Lan.

BRN kiên quyết tiến hành các cuộc đàm phán với sự giám sát của các nhà hòa giải trung gian quốc tế, song Chính phủ Thái Lan bác bỏ điều này, khiến tiến trình đàm phán đổ vỡ năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục