Thâm hụt thương mại kỷ lục Mỹ-Trung nói lên điều gì?

Sự mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ở mức cao kỷ lục trong năm 2018 và nó có thể báo hiệu sự suy giảm kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn.
Thâm hụt thương mại kỷ lục Mỹ-Trung nói lên điều gì? ảnh 1Một cảng hàng hóa của Trung Quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng cbsnews.com, Tổng thống Donald Trump và các cố vấn kinh tế của ông chú trọng tới thâm hụt thương mại khi nhắc đến Trung Quốc, và ông Trump đã nói rằng một cuộc chiến thương mại sẽ "dễ giành thắng lợi."

Nhưng các quan hệ thương mại và tác động của chúng lại phức tạp hơn nhiều.

Theo các nhà kinh tế, dữ liệu mà Trung Quốc mới công bố cho thấy sự mất cân bằng trong cán cân thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã ở mức cao kỷ lục trong năm 2018 và nó có thể báo hiệu sự suy giảm kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn.

Một điểm đáng báo động trong dữ liệu thương mại mới nhất của Trung Quốc là xuất khẩu của nước này trong tháng 12/2018 giảm 4,5% xuống còn 221,2 tỷ USD, trong khi nhập khẩu giảm 7,2% xuống còn 164,2 tỷ USD.

Hậu quả là thị trường chứng khoán toàn cầu trượt dốc trong phiên giao dịch hôm 14/1 do những lo ngại gia tăng về việc tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, còn tại Mỹ, chỉ số chứng khoán S & P 500 và chỉ số công nghiệp Dow đều giảm.

Dưới đây là những nét chính về những gì mà các con số mới nhất cho thấy.

Chênh lệch cán cân thương mại kỷ lục

Thặng dư thương mại năm 2018 của Trung Quốc với Mỹ đã tăng lên mức kỷ lục 323,3 tỷ USD. Điều đó có nghĩa là Mỹ đã mua nhiều hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc hơn là xuất sang nước này.

Cuộc chiến thương mại của Trump với Bắc Kinh có thể đang bắt đầu gây thiệt hại cả ở trong nước và Trung Quốc, mặc dù Nhà Trắng đang hoãn thực hiện các biện pháp thuế quan bổ sung cho đến tháng 3 tới trong lúc hai bên nỗ lực đàm phán về một thỏa thuận thương mại.

Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc phiên đàm phán kéo dài 3 ngày vào tuần trước mà không có dấu hiệu cho thấy sẽ đạt được thỏa thuận hoặc đưa ra thông báo về bước tiếp theo của họ sẽ là gì.

Tuy nhiên, các mức thuế lên tới 25% mà hai bên đã áp đặt đối với các gói hàng hóa của nhau trị giá nhiều tỷ USD vẫn đang được thực hiện, khiến người tiêu dùng phải rút hầu bao nhiều hơn để mua các mặt hàng đậu nành, thiết bị y tế và hàng tiêu dùng cũng như xe đạp đến đồ nội thất và thiết bị công nghệ.

Thuế xuất nhập khẩu (thuế quan) là thuế được trả bởi các công ty chứ không phải bởi các quốc gia, để nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tuy nhiên, thuế quan chỉ là một trong nhiều yếu tố khiến Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, theo ghi chép của các nhà kinh tế thuộc Capital Economics gửi các khách hàng.

Họ dự đoán một nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể khiến GDP toàn cầu giảm khoảng 0,2% trong năm 2019 so với mức của năm 2018. Các chuyên gia khác thì chỉ ra một cú sốc tiềm tàng đối với kinh tế Mỹ do việc chính phủ đóng cửa một phần hiện nay.

Các chuyên gia kinh tế của Capital Economics nêu rõ: "Phải thừa nhận rằng thuế quan của Mỹ có thể đã góp một phần nhỏ vào sự sụt giảm mạnh trong tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc hồi tháng trước. Nhưng tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc sang phần còn lại của thế giới cũng giảm đáng kể, cho thấy nhu cầu sụt giảm mới là thủ phạm chính và một thỏa thuận đình chiến thương mại với Mỹ sẽ không đảm bảo cho sự phục hồi mạnh mẽ."

Các chuyên gia kinh tế nhận định: "Các số liệu thương mại là một dấu hiệu khác cho thấy tăng trưởng của kinh tế toàn cầu cũng đang chậm lại." Họ dự báo các nền kinh tế đang bùng nổ ở châu Âu và Mỹ sẽ giảm tốc trong năm nay.

Điều đó có ý nghĩa gì với Mỹ?

Tại Mỹ, chi tiêu tiêu dùng chiếm khoảng 70% hoạt động kinh tế. Các hộ gia đình Mỹ cũng tiết kiệm ít hơn nhiều so với các hộ gia đình châu Âu và châu Á. Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân của người Mỹ dao động ở mức dưới 5% trong nhiều năm do chi tiêu của họ đã bùng nổ, theo Cục Phân tích Kinh tế liên bang.

[Mỹ và Trung Quốc cách xa thỏa thuận chấm dứt cuộc chiến thương mại]

Trong thư gửi CBS MoneyWatch, Giáo sư trợ giảng Michelle Casario của Đại học Villanova viết: "Phần lớn các nhà kinh tế cho rằng mức tiêu thụ cao và tỷ lệ tiết kiệm thấp ở Mỹ là yếu tố chính quyết định mức thâm hụt thương mại lớn của Mỹ nói chung và với Trung Quốc nói riêng."

Cắt giảm thuế đã được Tổng thống Trump ký thành luật hồi cuối năm 2017 có thể đã giúp nền kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh trong năm ngoái nhờ tăng thu nhập sau thuế.

Điều đó có nghĩa là người Mỹ thậm chí đang chi tiêu nhiều hơn, trong khi việc cắt giảm thuế đang làm tăng thâm hụt ngân sách của Mỹ. Điều đó chắc chắn sẽ gây hậu quả vì tốc độ chi tiêu có thể sẽ chậm lại do tác động của việc cắt giảm thuế mất dần.

Theo giáo sư Casario, "Việc cắt giảm thuế của Trump không chỉ làm tăng thâm hụt ngân sách, mà còn làm tăng thu nhập sau thuế, ít nhất là cho đến nay, điều này làm tăng mức tiêu thụ."

Tuy nhiên, "điều trớ trêu ở đây là việc cắt giảm thuế gián tiếp làm tăng thâm hụt thương mại, vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự chính sách của Trump."

Trừ phi thâm hụt ngân sách liên bang giảm và tỷ lệ tiết kiệm tăng, "Mỹ sẽ tiếp tục nếm mùi thâm hụt thương mại lớn nhất thế giới," Casario viết.

"Thuế quan không làm giảm thâm hụt thương mại, mà chỉ đơn giản là làm giảm (hoặc có tiềm năng giảm) dòng chảy thương mại. Tình trạng bất cân bằng trong thương mại sẽ tiếp tục tồn tại."

Dự trữ cuối năm cũng có thể là một yếu tố

Một lý do khác của việc thâm hụt thương mại tăng vọt trong năm ngoái là các công ty Mỹ có thể đã tăng nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc để phản ứng với lời đe dọa của Trump về việc tăng thuế trước khi ông quyết định hoãn kế hoạch này đến tháng 3/2019.

Một số công ty đã chuyển sản xuất hàng hóa cho Mỹ khỏi Trung Quốc để tránh thuế quan của Mỹ. Những công ty khác đang cung cấp cho các nhà cung cấp linh kiện công nghiệp không phải của Trung Quốc.

Giáo sư Casario của Villanova nhận định "để đề phòng thuế quan, các công ty Mỹ đã gia tăng đơn đặt hàng từ Trung Quốc để tránh chi phí nhập khẩu cao hơn...

Điều này có thể tiếp tục diễn ra do các doanh nghiệp Mỹ lo ngại rằng Trump sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD mới đây nhất và/hoặc đánh thuế đối với khoản thuế bổ sung 250 tỷ USD."

Cùng lúc đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cố gắng giảm sự phụ thuộc kinh tế của đất nước vào thương mại và thúc đẩy sự tăng trưởng tự lực dựa trên chi tiêu tiêu dùng trong nước. Nhưng kế hoạch của họ kêu gọi duy trì xuất khẩu ổn định để tránh tình trạng mất việc làm - một điều nguy hiểm về mặt chính trị.

Trump có thể sử dụng báo cáo thâm hụt thương mại mới nhất "như lý lẽ" để tăng thuế hoặc bổ sung các mức thuế mới sau thời hạn đình chiến vào ngày 1/3 tới, theo Casario.

Khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, họ đầu tư vào Mỹ ít hơn.

Theo một báo cáo do Rhodium Group công bố hồi cuối tuần qua, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ đã giảm mạnh xuống còn 4,8 tỷ USD vào năm ngoái sau khi giảm mạnh trong năm 2017 xuống còn 29 tỷ USD từ mức cao kỷ lục 46 tỷ USD trong năm 2016.

Các hiệp định thương mại tự do trong quá khứ đã khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư vào Mỹ, điển hình là trong khu vực chế tạo và các công ty khởi nghiệp. Điều đó tạo ra nhiều việc làm ở Mỹ. Nhưng việc áp thuế quan có thể gây khó khăn cho một quốc gia và các công ty của họ đầu tư vào Mỹ.

Các chính sách như cách Mỹ sử dụng Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) để kiểm tra chặt chẽ hơn các giao dịch với các công ty Trung Quốc đã đẩy mạnh các giao dịch bị bỏ rơi lên mức cao nhất từ trước đến nay, báo cáo của Rhodium cho biết.

"Trên hết" theo báo cáo, "các rào cản thương mại và một lập trường đối đầu hơn nữa với Trung Quốc tạo ra sự không chắc chắn rất lớn cho các công ty Trung Quốc ở Mỹ, làm nản chí sự mong muốn của nhà đầu tư và làm tăng nhận thức rủi ro của người bán hàng ở Mỹ"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục