Thanh Hóa: 6 huyện miền núi có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất sau mưa lớn

Hiện trạng độ ẩm đất của một số khu vực thuộc 6 huyện miền núi của Thanh Hóa sau mưa lớn hiện đã gần đạt bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa, cần chủ động ứng phó với sạt lở, sụt lún.

Một điểm sạt lở tại kênh Cửa Đạt, đoạn qua huyện Ngọc Lặc hồi tháng 9. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)
Một điểm sạt lở tại kênh Cửa Đạt, đoạn qua huyện Ngọc Lặc hồi tháng 9. (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

Theo thông tin của Đài khí tượng Thủy văn Thanh Hóa sáng 21/10, khu vực tỉnh Thanh Hóa đã có mưa vừa đến mưa to có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa đo được tại các điểm đo mưa tự động phổ biến 30-70mm, riêng đo mưa Thanh Tân (huyện Như Thanh) 79,8mm, Xuân Bình (huyện Như Xuân) 76,2mm.

Mô hình độ ẩm đất (Seaffgs) cho thấy hiện trạng độ ẩm đất (lượng nước tích lũy trong đất) của một số khu vực thuộc các huyện Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Ngọc Lặc và Cẩm Thủy đã gần đạt bão hòa (trên 85%) hoặc đạt trạng thái bão hòa.

Đài Khí tượng Thủy văn Thanh Hóa cảnh báo lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ xảy ra trên địa bàn 6 huyện miền núi nói trên.

Lũ quét, sạt lở, sụt lún đất có thể gây tác động rất xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng, tài sản của người dân, phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất, kinh tế-xã hội, gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Thanh Hóa vừa phát đi công văn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các huyện, thị xã, thành phố ven biển Hậu Lộc, Quảng Xương, Nga Sơn, Hoằng Hóa, Nghi Sơn, Sầm Sơn chủ động ứng phó với gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển.

Trong đó yêu cầu các địa phương, đơn vị theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến gió mạnh, sóng lớn và mưa dông trên biển; thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm nêu trên và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Các địa phương, đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng Thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Do chịu ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa tăng cường yếu lệch Đông, kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên các ngày 21, 22/10 ở khu vực Thanh Hóa sẽ có mưa, mưa rào nhiều nơi và rải rác có dông với lượng mưa phổ biến 20-40mm.

Riêng khu vực Đồng bằng ven biển và phía Nam, Tây Nam Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to, với tổng lượng mưa phổ biến từ 40-80mm, có nơi trên 80mm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục