Thanh Hóa: Phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn

Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 5,4%/năm trở lên, giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 483,0 triệu USD (tương đương 11.100 tỷ đồng)
Thanh Hóa: Phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn ảnh 1Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa)

Ngày 17/11, Thanh Hóa tổ chức hội nghị cho ý kiến đối với dự thảo Quy định mức hỗ trợ cho một dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn Thanh Hóa; dự thảo Đề án phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; và dự thảo Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tại hội nghị, ông Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh cơ bản thống nhất với nội dung về định mức hỗ trợ cho các dự án cụ thể và dự án phát triển cộng đồng theo dự thảo Quy định mức hỗ trợ cho một dự án phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa,

Đối với nội dung định mức cho các vùng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, bám sát các quy định, Nghị định, Quyết định của Trung ương như Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ về Quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các quy định, Thông tư liên quan để đưa ra định mức hỗ trợ đảm bảo đúng quy định. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Dân tộc và các đơn vị liên quan tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Thanh Hóa: Phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn ảnh 2Các đại biểu phát biểu tại hội nghị. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa)

Theo dự thảo Đề án phát triển thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu chung của Đề án là phát triển toàn diện ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại và bền vững, có các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi hợp lý; có năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị gia tăng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đề án cũng chú trọng bảo vệ môi trường sinh thái và phục hồi nguồn lợi thuỷ sản, từng bước nâng cao đời sống ngư dân; gắn phát triển thủy sản với nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. 

[Quy hoạch Thanh Hóa trong tứ giác phát triển ở phía Bắc vào năm 2025]

Mục tiêu cụ thể được đưa ra, đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành thủy sản của Thanh Hóa đạt 6,0%/năm trở lên. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 359,0 triệu USD (tương đương 8.250 tỷ đồng).

Tổng sản lượng thủy sản ước đạt 198.500 tấn; tổng số tàu thuyền khai thác vùng khơi ước đạt 1.350 chiếc; sản lượng khai thác thủy sản vùng khơi ước đạt 88.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản vùng nước mặn, lợ là 5.100ha;

100% tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên tham gia các tổ, đội khai thác trên biển; củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ, đội gắn với lực lượng dân quân biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…

Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế ngành thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 5,4%/năm trở lên. Giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 483,0 triệu USD (tương đương 11.100 tỷ đồng)…

Để thực hiện thành công Đề án, tỉnh đã xây dựng 9 giải pháp để thực hiện, theo đó sẽ tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; có giải pháp về cơ chế, chính sách; tài chính; đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; củng cố và phát triển của mô hình tổ đội sản xuất trên biển gắn với lực lượng dân quân biển; phối hợp thực hiện bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Bên cạnh đó là các giải pháp về khoa học công nghệ và khuyến ngư; tiêu thụ sản phẩm thủy sản; xây dựng chuỗi giá trị sản xuất; xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hợp tác quốc tế; về tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Thanh Hóa: Phát triển ngành thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn ảnh 3Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị. (Nguồn: Cổng thông tin điện tử Thanh Hóa)

Phát biểu kết luận nội dung này, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng dự thảo Đề án đáp ứng với mục tiêu đề ra, phát triển ngành thủy sản gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.

Góp ý cụ thể vào nội dung Đề án, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu cần tách một số nội dung, đánh giá thêm một số công trình nuôi trồng thủy sản đặc biệt là các vùng nuôi trồng lớn của tỉnh.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa lưu ý về tổ chức bộ máy của ngành nông nghiệp phải kiện toàn, sắp xếp lại đảm bảo các lực lượng phù hợp thực hiện nhiệm vụ đúng theo Đề án như tổ chức hệ thống cảng cá...

Đơn vị soạn thảo cần nghiên cứu, làm rõ, bổ sung nội dung về thực trạng vùng ngập mặn ven biển tỉnh; đánh giá lại thực trạng thủy sản vùng ven bờ và đưa ra giải pháp cụ thể, hiệu quả để khắc phục khó khăn cho nghề thủy sản.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn chỉnh dự thảo Đề án để báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Đối với Đề án phát triển nuôi cá lồng tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lê Đức Giang yêu cầu đơn vị soạn thảo tiếp thu các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị; xác định điều kiện tự nhiên đáp ứng, đảm bảo phù hợp cho nuôi cá lồng, đồng thời tính hiệu quả kinh tế việc nuôi cá lồng.

Nghiên cứu xây dựng chính sách, phương án hỗ trợ hợp lý về con giống, công tác quản lý, đào tạo kỹ thuật, tham quan học tập kinh nghiệm… khi triển khai thực hiện Đề án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục