Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên phát triển KT-XH

Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Tây Nguyên đã ký kết và triển khai nhiều chương trình, hợp tác đạt được nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông lâm thủy sản, du lịch, y tế.
Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với các tỉnh Tây Nguyên phát triển KT-XH ảnh 1Thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Chiều 29/12, tại thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng), Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với 5 tỉnh Tây Nguyên tổ chức hội nghị tổng kết chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội giữa thành phố với các tỉnh vùng Tây Nguyên và ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển song phương giai đoạn 2022-2025.

Mục tiêu của chương trình hợp tác nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và vùng. Đồng thời, tạo cầu nối để doanh nghiệp liên kết, hợp tác; thúc đẩy hợp tác công-tư trên nguyên tắc cùng có lợi và mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.

Cụ thể, các bên sẽ ưu tiên một số lĩnh vực hợp tác song phương như Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Lâm Đồng để phát triển ngành dịch vụ du lịch, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nông nghiệp công nghệ cao và liên kết tiêu thụ nông sản.

[Ban hành Chương trình hành động về phát triển KT-XH vùng Tây Nguyên]

Cùng đó, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hợp tác với Đắk Lắk phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu càphê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa.

Thành phố Hồ Chí Minh hợp tác với Gia Lai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây dược liệu, công nghiệp phát triển năng lượng tái tạo; liên kết với Kon Tum phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, hình thành các khu du lịch sinh thái, gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên; hợp tác với Đắk Nông thu hút nhà đầu tư phát triển ngành du lịch, liên kết trong tiêu thụ, chế biến nông sản chủ lực của địa phương này.

Tây Nguyên có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong những năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh tây Nguyên đã ký kết và triển khai nhiều chương trình, hợp tác đạt được nhiều kết quả tích cực trên lĩnh vực thương mại, công nghiệp, nông lâm thủy sản, du lịch, y tế, giáo dục.

Trong số đó, Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện vai trò kết nối cung-cầu hàng hóa giữa thành phố và các tỉnh Tây Nguyên bằng nhiều chương trình, hoạt động như chương trình bình ổn thị trường, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, phân phối hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ các địa phương để phát triển mô hình chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững cho ngành nông nghiệp chế biến thực phẩm của thành phố.

Những năm qua, doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh còn quan tâm đầu tư vào các tỉnh Tây Nguyên nhiều dự án, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk thu hút 50 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 6.000 tỷ đồng, Đắk Nông có 27 dự án với số vốn đăng ký gần 2.000 tỷ đồng, Kon Tum 9 dự án với 542 tỷ đồng, tỉnh Lâm Đồng 146 dự án với tổng vốn đăng ký 23.400 tỷ đồng, Gia Lai thu hút 43 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 50.000 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục