Mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua nhưng hiện nay, vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy thị trường việc làm ở Eurozone sẽ được cải thiện
Vấn đề hiện nay đối với các nhà lãnh đạo Eurozone là làm thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm với việc duy trì kỷ luật ngân sách trong lúc chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã chấm dứt. Đây chắc chắn là bài toán hóc búa đối với các nhà lãnh đạo Eurozone trong những tháng tới
Thất nghiệp trở thành vấn nạn
Theo thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), số người thất nghiệp ở 17 nước sử dụng đồng euro trong tháng Chín năm nay đã tăng thêm 60.000 người lên 19,4 triệu, cao hơn 1 triệu người so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn gần 4 triệu người so với hồi đầu năm 2011. Đây là tháng thứ 29 liên tiếp, số người thất nghiệp ở Eurozone tăng. Nhiều người thất nghiệp sẽ chưa thể tìm được việc làm do đà phục hồi kinh tế của khu vực này vẫn còn rất mong manh.
Trong báo cáo công bố hôm 31/10 vừa qua, Eurostat cho biết trong tháng Chín, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone lên tới 12,2%, mức cao kỷ lục kể từ khi liên minh tiền tệ này ra đời vào cuối những năm 1990. Đáng chú ý, các nước đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nợ công có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp bình quân của khối, trong đó Tây Ban Nha và Hy Lạp là những nước có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (tương ứng là 26,6% và 27,6%).
Đáng chú ý, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở Eurozone đã tăng lên mức đáng báo động. Điều này đang làm gia tăng sức ép buộc các nhà lãnh đạo Eurozone phải hành động để duy trì đà phục hồi kinh tế và tạo thêm việc làm mới.
Một vấn đề khiến nhiều người lo ngại là tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ (dưới 25 tuổi) ở Eurozone rất cao. Trong tháng Chín, số người thất nghiệp trong giới trẻ tại khu vực này tăng thêm 22.000 người, nâng tổng số người thất nghiệp ở độ tuổi dưới 25 lên 3.548.000, chiếm 24,1% trong tổng lực lượng lao động của Eurozone.
Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở một số nền kinh tế đầu tàu của khối vẫn tiếp tục tăng. Tỷ lệ này ở Pháp - nền kinh tế lớn thứ 2 trong Eurozone - đã tăng từ 25,6% trong tháng Tám năm nay lên 26,1% và ở Italy - nền kinh tế lớn thứ ba - tăng từ 40,2% lên 40,4%.
Tại các nước khác như Tây Ban Nha, Hy Lạp và Croatia, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ thậm chí còn vượt ngưỡng 50%. Tại Eurozone, hiện chỉ có hai nền kinh tế có tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ dưới 10% là Đức và Áo.
Bình luận về các số liệu của Eurostat, chuyên gia về châu Âu Ben May của công ty nghiên cứu Capital Economics, nói: “Các số liệu thống kê đó đã làm giảm kỳ vọng (của nhiều người) rằng có thể đã có bước ngoặt trên thị trường lao động.” Trong khi đó, Ủy viên châu Âu phục trách vấn đề việc làm Laszlo Andor nhấn mạnh tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này đang đứng ở mức cao không thể chấp nhận được và điều đó sẽ làm suy yếu đà phục hồi kinh tế đang mạnh lên của khu vực này.
Theo các chuyên gia phân tích, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu năm 2010 đã và đang tác động tiêu cực tới hầu hết các nền kinh tế thành viên của Eurozone. Để đối phó với vấn đề nợ công, nhiều nước trong khu vực đã phải thực hiện chính sách thắt lưng, buộc bụng. Hậu quả là đà tăng trưởng của các nước này đã bị suy giảm mạnh, dẫn đến số người thất nghiệp gia tăng. Trong 4 năm qua, có hàng trăm ngàn người, nhất là thanh niên, ở Eurozone đã bị mất việc làm.
Bài toán hóc búa
Hồi đầu tháng 11 này, Ủy ban châu Âu (EC) đã cảnh báo vẫn còn quá sớm để khẳng định chiến thắng trong cuộc chiến chống suy thoái kinh tế ở Eurozone sau khi các số liệu thống kê mới nhất cho thấy phải đến năm 2015, tăng trưởng kinh tế mới giúp giảm số lượng người thất nghiệp ở khu vực này.
Theo dự báo của EC, năm 2014, Eurozone có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 1,1% nhưng tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này sẽ vẫn đứng ở mức cao kỷ lục 12,2%. Đến năm 2015, tỷ lệ tăng trưởng của Eurozone sẽ tăng lên 1,7% và nhờ vậy, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm còn 11,8%. Tuy nhiên, một số chuyên gia phân tích cho rằng EC quá lạc quan khi đưa ra các dự báo trên bởi vì, đà phục hồi kinh tế của Eurozone vẫn rất mong manh.
Theo Eurostat, trong quý 2 năm nay, Eurozone đã đạt tốc độ tăng trưởng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Eurozone đạt tốc độ tăng trưởng dương trong vòng 18 tháng qua. Tuy nhiên, trong quý 3 vừa qua, tốc độ tăng trưởng của Eurozone đã giảm còn 0,1%, thấp hơn nhiều so với dự báo của các chuyên gia phân tích. Thậm chí, so với cùng kỳ năm ngoái, GDP của Eurozone còn giảm 0,4%.
“Các số liệu trên nhấn mạnh một thông điệp rằng tăng trưởng ở Eurozone vẫn chưa đủ để bắt đầu giải quyết các vấn đề đã bén rễ sâu là tỷ lệ thất nghiệp cao chót vót, nguy cơ giảm phát đang gia tăng và số nợ đang bị bóp méo ở các nền kinh tế yếu hơn,” chuyên gia kinh tế trưởng về châu Âu Jonathan Loynes của Capital Economics viết.
Trong bối cảnh đó, nhiều người lo ngại thất nghiệp có nguy cơ trở thành một vấn nạn đối với Eurozone và sẽ còn ám ảnh khối này trong thời gian dài. Đáng chú ý, vấn nạn thất nghiệp trong giới trẻ có thể tiếp tục xấu đi và trở thành một cuộc khủng hoảng thực sự. Và nếu châu Âu thất bại trong việc giải quyết vấn nạn thất nghiệp và vực dậy tăng trưởng, “lục địa già” sẽ mất đi một thế hệ những người lao động trẻ.
Để ngăn chặn nguy cơ nói trên, các nhà lãnh đạo Eurozone đã đưa cuộc chiến chống thất nghiệp trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của khối này./.