Nhận thức được tầm quan trọng của việc đa dạng nguồn cung bông nhập khẩu và tạo thêm cơ hội lựa chọn cho các nhà kéo sợi tại Việt Nam, từ ngày 6/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương, Hiệp hội Bông sợi Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) tổ chức hội thảo “Cơ hội giao thương - bông Đông Phi, Nam Phi cho các nhà kéo sợi tại Việt Nam.”
Tại hội thảo, các đại biểu được giới thiệu về tiềm năng bông Đông Phi, Nam Phi và trao đổi giải pháp để tiếp cận cũng như mua trực tiếp nguồn bông này mà không cần thông qua trung gian, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho các bên.
Cùng đó, hàng loạt vấn đề khó khăn về phương thức giao dịch, tuyến vận chuyển, thanh toán… cũng được tháo gỡ, tăng cơ hội giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên.
Một số doanh nghiệp Việt Nam nhận xét nguồn bông này có chất lượng khá tốt, giá thành hợp lý và phù hợp với yêu cầu sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhập khẩu bông từ châu Phi vướng "rào cản" bởi phải qua nhiều khâu trung gian là các công ty thương mại của Pháp, Thụy Sỹ, Ấn Độ… nên giá thành mua nguyên liệu đầu vào bị đội cao hơn rất nhiều so với nhập khẩu trực tiếp.
Các doanh nghiệp cũng quan ngại về việc bông ở vùng Đông Phi thường có hàm lượng đường cao hơn các nước khác nên có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất và chất lượng sản phẩm.
Theo ông Vũ Hồng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam, với chất lượng ngày càng được cải thiện rõ rệt, giá cả cạnh tranh, bông châu Phi nói chung và Đông Phi, Nam Phi nói riêng sẽ sớm thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới; trong đó có doanh nghiệp tại Việt Nam.
Hội thảo lần này không nằm ngoài mục tiêu thúc đẩy hợp tác thương mại giữa những nhà chế biến, kinh doanh bông uy tín hàng đầu từ Đông Phi, Nam Phi với các nhà nhập khẩu và sản xuất sợi Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện để những nhà sản xuất bông châu Phi khảo sát thị trường tiêu thụ bông Việt Nam, tìm cách cải thiện cũng như nâng cao chất lượng bông phù hợp với quy trình sản xuất tại Việt Nam - ông Giang cho hay.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Hữu Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương) phân tích vì nhập khẩu qua trung gian nên việc phản hồi chất lượng bông đến nhà cung cấp, nhà sản xuất giữa Việt Nam và châu Phi gặp nhiều khó khăn, thủ tục phức tạp và mất thời gian.
Do đó, Trung tâm ITC nên đẩy mạnh vai trò làm cầu nối cho các nhà sản xuất, nhà cung cấp liên kết trực tiếp với doanh nghiệp Việt Nam để tăng cường các hợp tác bền vững.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu, đầu tư các nhà máy kéo sợi tại châu Phi, cung cấp bông nguyên liệu cho Việt Nam, góp phần tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện tại Việt Nam đã nhập khẩu bông nguyên liệu từ 19 nước trên tổng số 55 quốc gia châu Phi; trong đó có thể kể đến các nước như Tanzania, Mozambique, Zimbabwe, Zambia, Uganda, Malawi./.