Thích ứng an toàn, linh hoạt để khai thác thủy sản trở lại bình thường

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, thị trường xuất khẩu đang có tín hiệu tốt nhờ sắp vào dịp Tết và Noel.
Thích ứng an toàn, linh hoạt để khai thác thủy sản trở lại bình thường ảnh 1Chế biến cá tra philê xuất khẩu tại nhà máy của Công ty Cổ phần đầu tư phát triển đa quốc gia. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Sáng 22/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương ven biển về "Tổ chức khai thác thủy sản thích ứng, phòng chống dịch COVID-19, quý 4/2021."

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh ngành khai thác thủy sản phải thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn tối đa cho người lao động và ngư dân; đưa chuỗi hoạt động khai thác thủy sản ở các địa phương trở lại trạng thái bình thường mới.

Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, thị trường xuất khẩu đang có tín hiệu tốt nhờ sắp vào dịp Tết và Noel. Đây là dịp mà hàng năm các thị trường đều sôi động để chuẩn bị hàng hóa. Bộ đã chỉ đạo các cơ sở khắc phục ngay tình trạng đứt gãy chuỗi các cung ứng để sản xuất đảm bảo được các chỉ tiêu về sản lượng và xuất khẩu. Hiện, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động được 70% công suất.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến hoạt động khai thác thủy sản. Chuỗi cung ứng khai thác thủy sản bị đứt gãy, gián đoạn vận chuyển, tiêu thụ khó khăn và giá thủy sản giảm. Trong khi đó, cảnh báo "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu tiếp tục gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường châu Âu.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, do tác động của việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, nhiều tàu cá phải ngừng sản xuất, nằm bờ. Số lượng tàu cá ngừng không đi khai thác trong 3 tháng là 43.200 tàu, tương đương 4,6% cường lực khai thác với khoảng 186.000 tấn.

[Đồng bằng sông Cửu Long khôi phục sau giãn cách: Tín hiệu tích cực]

Nhiều cảng cá phải đóng cửa để thực hiện phòng chống dịch COVID-19. Đến ngày 16/10, vẫn còn 4 cảng cá vẫn tiếp tục thực hiện giãn cách/tạm dừng hoạt động để phòng chống COVID-19 ở các tỉnh: Nghệ An, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện, số lượng người làm việc tại cảng cá đã được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19 ước đạt 50%.

Bên cạnh đó, năm 2021 là một năm ghi nhận giá nhiên liệu tăng cao kỷ lục trong vài năm gần đây; trong đó, giá dầu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2020. Lao động làm việc trên tàu cá sẽ tiếp tục bị thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương trọng điểm nghề cá như Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Kiên Giang...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quang Hùng, điều kiện sản xuất khai thác thủy sản có nhiều thuận lợi. Thời tiết khá thuận lợi, đã chuyển sang vụ cá Bắc, khả năng có bão lớn xảy ra vào các tháng cuối năm rất thấp. Các nghề khai thác cá đáy có sản lượng lớn chiếm ưu thế, đặc biệt là khai thác cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa và Nam Trung Bộ vào chính vụ, khai thác cá nổi nhỏ ở Nam Vịnh Bắc Bộ, Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.

Nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản khai thác các dịp lễ, Tết cuối năm tăng mạnh, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu.

Theo ông Nguyễn Quang Hùng, ngành thủy sản phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2021 với sản lượng khai thác biển đạt khoảng 3,657 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 3,6 tỷ USD. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống khai thác bất hợp pháp; chấm dứt hoàn toàn tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo đó, các địa phương, đơn vị cần áp dụng linh hoạt các giải pháp phòng chống dịch bệnh để đảm bảo chuỗi cung ứng khai thác thủy sản an toàn, hiệu quả, đặc biệt đảm bảo an toàn dịch bệnh tối đa để các cảng cá và các cơ sở sơ chế, chế biến xuất khẩu thủy sản hoạt động bình thường.

Thích ứng an toàn, linh hoạt để khai thác thủy sản trở lại bình thường ảnh 2Chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Là địa phương vẫn còn có cảng cá Phan Thiết phải đóng cửa do dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận cho biết Sở đã thành lập Tổ kiểm soát cơ động phòng chống dịch COVID-19 trong khu vực cảng để tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát.

Sở cũng tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh giải quyết cho 12 doanh nghiệp/cơ sở thu mua, chế biến, dịch vụ thủy sản hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ" tại cảng trong thời gian cảng tạm ngừng hoạt động. Sở cũng chỉ đạo Ban quản lý cảng cá xây dựng phương án tiếp nhận, bốc dỡ hải sản từ tàu cá cập cảng trong thời gian cảng cá Phan Thiết tạm dừng hoạt động.

Trên cơ sở quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, Sở cũng ban hành hướng dẫn đối với hoạt động tàu cá và hoạt động cập cảng, bốc dỡ sản phẩm.

Theo đó, các tàu cá, cảng cá trong tỉnh cơ bản được hoạt động khai thác thủy sản ở tất cả các cấp độ dịch, chỉ hạn chế đối với tàu cá ngoài tỉnh khi dịch bệnh ở cấp độ 4. Các hoạt động sản xuất, lưu thông, cung ứng sản phẩm được ưu tiên hoạt động ở các cấp độ dịch.

Tại hội nghị, các địa phương đều cho rằng qua dịch COVID-19 cho thấy hệ thống kho lạnh cho sản phẩm khai thác vẫn còn yếu và thiếu. Nhiều địa phương đề nghị cần có nguồn đầu tư và đầu tư theo đối tác công tư (PPP) để phát triển hạ tầng, kho lạnh.

"Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thì mới thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng trong khai thác thủy sản. Nếu đầu tư cảng cá để kinh doanh thì rất khó thu hồi vốn. Chỉ có thể từ nguồn vốn ngân sách cộng với sự linh hoạt, nhạy bén của doanh nghiệp thì quản lý mới hiệu quả," ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cho biết.

Ông Lê Văn Sử cũng kiến nghị cần có hỗ trợ về tài chính cho các doanh nghiệp sản xuất trong vùng dịch thông qua việc cho phép giãn nọ, không yêu cầu trả các khoản nợ vay đến hạn trong 4 tháng tới. Phục hồi sản xuất cần tập trung các biện pháp kiểm soát dịch an toàn, linh hoạt và để đạt được hiệu quả cũng phải căn cứ vào tình hình thực tiễn, điều kiện năng lực hạ tầng thủy sản của mỗi một nơi. Đây cũng là cơ hội để Cà Mau và các địa phương sàng lọc, sắp xếp lại nguồn lao động phù hợp cho khai thác thủy sản cho nuôi trồng, chế biến./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục