Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết từ 12/5, tỉnh tiến hành hỗ trợ khẩn cấp cho hơn 36.000 nhân khẩu, 3.080 tàu thuyền đánh cá trong diện được hỗ trợ do bị ảnh hưởng từ hiện tượng hải sản chết bất thường.
Tỉnh hỗ trợ một lần các tàu, thuyền đánh bắt ven bờ và vùng lộng do phải tạm ngừng ra biển khai thác hải sản với hai mức, gồm mức 3,5 triệu đồng/chiếc đối với ghe, thuyền không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 20CV; mức 5 triệu đồng/chiếc đối với ghe, thuyền lắp máy có công suất từ 20 CV đến dưới 90CV...
Tỉnh cũng hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1,5 tháng đối với các nhân khẩu thuộc hộ chủ tàu và hộ của lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV và các hộ làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp. Tỉnh Thừa Thiên-Huế đang đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp hơn 800 tấn gạo để hỗ trợ cho các đối tượng trên.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng hỗ trợ hơn 8 tỷ đồng; trong đó có 3 tỷ đồng để hỗ trợ cho những hộ dân nuôi cá trên lồng, bè trên đầm phá bị thiệt hại trong thời gian vừa qua. Số còn lại sẽ hỗ trợ cho các đối tượng người dân vùng ven biển bị ảnh hưởng do tình trạng hải sản chết bất thường.
Tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện tượng thủy sản chết bất thường xuất hiện từ 15/4-4/5 trên vùng biển, các cửa biển và cá nuôi trên lồng bè đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, đời sống của nhân dân vùng ven biển, ước thiệt hại kinh tế khoảng 135 tỷ đồng. Để khôi phục hoạt động khai thác thủy sản cho ngư dân ven biển, từ 1/5 đến nay tỉnh đã cấp 149 giấy xác nhận khai thác thủy sản xa bờ, tổ chức các điểm bán cá sạch tại các trung tâm thương mại và các chợ lớn trên địa bàn tỉnh.
Ngày 3/5, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) đã công bố kết quả lấy 17 mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đối với hải sản tươi sống tại cảng cá Thuận An, chợ Phú Tân, huyện Phú Vang và biển xã Quảng Công. Các chỉ tiêu kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép.
Từ 5/5 đến nay, các địa phương không còn hiện tượng cá biển tự nhiên và cá nuôi trên lồng, bè chết. Trước mắt, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên theo dõi diễn biến thực tế trên các vùng biển và cửa sông vùng ven biển của tỉnh; lập phương án tạm ngưng hoạt động đánh bắt thủy hải sản ven bờ từ 20 hải lý trở vào; tăng tần suất lấy mẫu nước thường xuyên để quan trắc, cảnh báo các vùng khai thác, nuôi trồng thủy sản tập trung; tiếp tục xả nước ở đập Thảo Long nhằm đảm bảo ổn định môi trường trong vùng nuôi cá lồng, bè ở cửa biển vùng Thuận An (huyện Phú Vang).../.