Thụy Sĩ đã đạt thỏa thuận với Croatia về tự do đi lại

Thỏa thuận mới sẽ cho phép Croatia, thành viên mới nhất của EU, quyền tiếp cận thị trường việc làm tại Thụy Sĩ theo cơ chế chuyển đổi trong 10 năm với hạn ngạch tăng dần.

Thụy Sĩ đã đạt được thỏa thuận với Croatia về tự do đi lại của người dân, giúp giải quyết bế tắc giữa hai nước sau khi cử tri Thụy Sĩ ngày 9/2 vừa qua ủng hộ hạn chế người nhập cư từ Liên minh châu Âu (EU).

Thỏa thuận mới sẽ cho phép Croatia, thành viên mới nhất của EU, quyền tiếp cận thị trường việc làm tại Thụy Sĩ theo cơ chế chuyển đổi trong 10 năm với hạn ngạch tăng dần. Thỏa thuận đồng thời cũng kèm theo tuyên bố "không phân biệt đối xử" với người Croatia.

Đài phát thanh và truyền hình nhà nước Thụy Sĩ (RTS) đưa tin thỏa thuận này còn tùy thuộc vào sự chấp thuận của Ủy ban châu Âu (EC), song đến giờ các tín hiệu phát ra từ Brussel vẫn còn "khá tiêu cực."

Chính phủ Thụy Sĩ đang đàm phán với từng nước thành viên EU về các quyền tự do di chuyển theo thỏa ước lao động đã ký với khối này nhằm đáp ứng các yêu cầu của cuộc trưng cầu dân ý vào tháng Hai vừa qua, trong đó kêu gọi áp dụng hạn ngạch nhập cư.

Kết quả cuộc trưng cầu dân ý đặt ra các yêu cầu về hạn ngạch như trong Hiến pháp Thụy Sĩ quy định, nhưng lại không xác định giới hạn hạn ngạch hoặc những người sẽ quyết định hạn ngạch.

Chính phủ Thụy Sĩ đã yêu cầu Bộ Tư pháp, các bộ ngành phụ trách đối ngoại và các vấn đề kinh tế soạn thảo một kế hoạch thực hiện vào cuối tháng Sáu tới. Kế hoạch này sẽ là cơ sở cho các cuộc đàm phán tiếp theo với EU, mặc dù những cuộc thảo luận thăm dò giữa hai bên đã được tiến hành.

Trước đó, Thụy Sĩ đã từ chối ký một thỏa thuận cho phép công dân Croatia tự do tham gia thị trường lao động của Thụy Sĩ sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 9/2, theo đó khoảng 50,3% cử tri Thụy Sĩ đồng ý hạn chế nhập cư từ các nước EU.

Với kết quả này, Chính phủ Thụy Sĩ buộc phải đàm phán lại thỏa thuận về thị trường lao động với EU trong vòng 3 năm, trong khi các quy định hiện tại vẫn còn hiệu lực.

Năm 1999, Thụy Sĩ đã ký với EU thỏa thuận chấp nhận các quy định về tự do đi lại của EU và được mở rộng vào năm 2008, khi nước này tham gia Hiệp ước Schengen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục