Tìm giải pháp hỗ trợ các địa phương tiêu thụ trái thanh long

Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh doanh nghiệp và người sản xuất phải chuyển đổi tư duy là không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường; sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn đáp ứng được các thị trường.
Tìm giải pháp hỗ trợ các địa phương tiêu thụ trái thanh long ảnh 1Thanh long đã thu hoạch chờ thương lái đến thu mua. (Ảnh: Thanh Bình/TTXVN)

Sáng 6/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức diễn đàn trực tuyến Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long.

Ngoài hai điểm cầu chính tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, diễn đàn còn có sự tham gia của các tỉnh sản xuất thanh long lớn như Bình Thuận, Long An, Tiền Giang và các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh doanh nghiệp và người sản xuất phải chuyển đổi tư duy là không phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Do đó, sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn đáp ứng được các thị trường. Đây là quan điểm nhất quán của Bộ, Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện tư duy của người sản xuất và người tiêu thụ vẫn chưa gặp nhau. Vì vậy, các địa phương cần gắng tổ chức kết nối để người sản xuất và người tiêu thụ gặp nhau. Hiện nay, nhu cầu hàng hóa Tết Nguyên đán đang tăng cao nên các địa phương cũng cần tăng cường kết nối với các đơn vị bán lẻ cho thị trường trong nước.

"Bên cạnh đó, các địa phương cũng phải đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng. Bởi, Cục Bảo vệ thực vật đã giao quyền cho địa phương, do đó các sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có kế hoạch cụ thể, để sớm cấp mã số vùng trồng. Không chỉ thị trường Trung Quốc mà các thị trường nhập khẩu nông sản đều đã yêu cầu vấn đề này," Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Lê Thanh Tùng cho biết sản lượng thanh long của Việt Nam khoảng gần 1,4 triệu tấn/năm nhưng lại không phân bố đều. Cụ thể, quý một khoảng 300.000 tấn, quý hai khoảng 150.000 tấn, quý ba khoảng 400.000 tấn và quý bốn khoảng 500.000 tấn. Như vậy, quý một và bốn tập trung khoảng 60% sản lượng.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có khoảng 300.000 tấn thanh long cần tiêu thụ và phát triển mạnh ở các vùng chuyên canh quy mô lớn tập trung ở 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang. Riêng 3 địa phương này đã chiếm tới 240.00 tấn vì vậy, phải tìm các giải pháp hỗ trợ các địa phương để tiêu thụ loại trái cây này.

Chưa tính sản lượng thanh long còn ở trên cây, từ khi phía Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu quả thanh long thì ước tính đang có hơn 100.000 tấn thanh long đã thu hoạch nhưng chưa có đầu ra tiêu thụ.

[Bình Thuận nghiên cứu đa dạng phương thức xuất khẩu thanh long]

Trước tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Fruit Nguyễn Khắc Huy cho rằng khi xuất khẩu qua biên giới gặp khó khăn và các cơ quan chức năng đã có những cảnh báo liên tục nhưng các doanh nghiệp không tiếp thu, trong khi đường biển vẫn xuất khẩu bình thường. Trung Quốc không cấm mà vẫn nhập khẩu chính ngạch bình thường và yêu cầu phải không có virus SARS-CoV-2 trên hàng hóa. Do đó, hàng hóa có thể vận chuyển bằng đường biển và sản phẩm phải không bị nhiễm virus SARS-CoV-2.

"Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương cần tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp thêm thông tin về thị trường Trung Quốc," ông Nguyễn Khắc Huy kiến nghị.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp và các hiệp hội thì hiện nay, để xuất khẩu theo đường biển các doanh nghiệp lại gặp khó trong việc để có được container lạnh. Khi chuyển qua đường biển doanh nghiệp phải mua lại container nên giá tăng cao. Bởi các hãng tàu thường làm việc, có hợp đồng với các đơn vị xuất khẩu đã có lộ trình, cam kết về kế hoạch xuất khẩu từ trước. Các hãng sẽ chú trọng dành container cho các đơn vị đã có kế hoạch, trung thành, tính ổn định cao.

Tìm giải pháp hỗ trợ các địa phương tiêu thụ trái thanh long ảnh 2Quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt từ khâu nhập nguyên liệu cho đến chế biến thanh long. (Ảnh: Nguyễn Văn Việt/TTXVN)

Về giải pháp chế biến, ông Phạm Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (DOVECO), cho biết DOVECO đang tăng cường thu mua nông sản quay đầu tiêu thụ trong nước trong thời gian vừa qua, đặc biệt là chuối, xoài, dứa. Các đơn vị có bao nhiêu, doanh nghiệp sẽ thu mua bấy nhiêu.

Doanh nghiệp đang chế biến thanh long đông lạnh nhưng khách hàng chưa mua nhiều. Công ty đang nỗ lực chào hàng thanh long với các đối tác. Trong thời gian tới, nếu đàm phán thuận lợi công ty sẽ tăng năng lực thu mua nguyên liệu, khi có thông tin sẽ gửi tới các đơn vị để tiến hành hợp tác.

Với kênh phân phối trong nước bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market cho biết bắt đầu từ ngày 7/1 đến Tết Nguyên đán, MM Megar Market sẽ triển khai chương trình tiêu thụ sản phẩm thanh long từ các tỉnh miền Tây tại 21 trung tâm của MM trên toàn quốc với mức giá bán không lợi nhuận. Thanh long sẽ được dành riêng một khu vực để trưng bày và được bố trí tại nơi có lưu lượng khách hàng nhiều nhất để tiêu thụ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp triển khai chương trình "truck-sell," bán hàng trên xe tải ngay trong khuôn viên MM để khách hàng dễ dàng mua sản phẩm mà không phải vào siêu thị.

Bà Trần Kim Nga cho rằng, giữa sản xuất và tiêu thụ còn bị động, cung vượt cầu. Lượng tiêu thụ của thị trường nội địa thực chất rất lớn. Bà Nga mong rằng các đơn vị sản xuất chú trọng hơn khách hàng trong nước và quan tâm nâng cao chất lượng sản phẩm trong bối cảnh người tiêu dùng ngày nay rất chú trọng sức khỏe, an toàn thực phẩm.

Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết trong những năm qua, xuất khẩu mặt hàng rau, hoa quả vươn lên trở thành một ngành hàng mũi nhọn trong các mặt hàng nông sản. Thanh long là quả chính trong các mặt hàng hoa quả của Việt Nam về xuất khẩu có tỷ trọng rất lớn, đạt gần 1 tỷ USD trong 11 tháng năm 2021. Tuy nhiên, sản phẩm xuất khẩu vẫn sang Trung Quốc là chính.

Các nhà xuất khẩu cần có thay đổi về thị trường xuất khẩu, đặc biệt tận dụng các lợi thế mà Việt Nam có được các hiệp định thương mại tự do như Nhật Bản, Mỹ, Ấn Độ… Trong bối cảnh hội nhập, đặc biệt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã thực thi, các quốc gia nhập khẩu đưa ra các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. Điển hình như EU không cần đàm phán mở cửa thị trường, trái cây chỉ cần đảm bảo các tiêu chí về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.

Ông Lê Thanh Hòa khuyến nghị các doanh nghiệp nâng cao năng lực và nhận thức trong việc nắm bắt các quy định về kỹ thuật và yêu cầu về kiểm dịch thực vật của thị trường. Thay đổi cách tiếp cận về an toàn thực phẩm từ việc kiểm tra an toàn sản phẩm cuối cùng sang giám sát tại mọi công đoạn trong toàn bộ chuỗi sản xuất. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược quảng bá và tiếp thị cho trái thanh long thông qua các hội chợ, triển lãm ở nước ngoài.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo Tổ Điều hành diễn đàn kết nối nông sản 970 phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế trong thời gian sớm nhất để tổ chức diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản với các tham tán thương mại ở các nước để doanh nghiệp hiểu hơn về các thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục